“Sân bóng như người tình”
Giữa cái nắng chói choang, một người đàn ông nhỏ con cứ hì hục đi khắp mặt sân Cần Thơ để kiểm tra từ chỗ một. Đó là Quản lý sân Cần Thơ anh Phạm Văn Út (41 tuổi), một người đã có 19 năm gắn bó với sân Cần Thơ.
Cứ mỗi khi có trận đấu diễn ra tại sân Cần Thơ là anh Út đi khắp sân để kiểm tra mọi thứ, nhằm chuẩn bị tốt nhất để giám sát sân đến kiểm tra lại. Anh Út tâm sự: “Tôi đã có 19 năm gắn bó với sân Cần Thơ và làm nhiệm vụ chăm sóc sân hơn chục năm nay rồi”.
Với 19 năm gắn bó với sân Cần Thơ, anh Út xem nơi đây như mái nhà của chính mình: “Ngày nào tôi không đi làm thì buồn lắm. Hôm nào được nghỉ thì tôi vẫn phải chạy lên và nếu thấy mặt sân không tốt là làm ngay chứ không phải chờ đến lịch làm việc”.
Việc chăm sóc sân Cần Thơ là không hề đơn giản bởi anh Út phải dậy sớm ngày từ lúc 1h sáng để canh đúng giờ nước sông Hậu lên. Khi sân Cần Thơ không chỉ tưới nước thường mà còn tận dụng nước phù sa của sông Hậu tưới cho mặt sân có thêm dinh dưỡng để xanh tốt.
Gần như bắt tay vào làm tất cả mọi việc để chăm chút từng chi tiết nhỏ cho mặt sân Cần Thơ, anh Út giống như người bảo hộ cho sân bóng có sức chứa lớn nhất Việt Nam bởi xem “sân bóng như người tình”. “Tôi làm việc này vì niềm đam mê và xem nơi đây như ngồi của mình”, anh Út tâm sự.
Những người bảo vệ già tận tụy
Ở tuổi 60, bác Huỳnh Văn Dưỡng được xem là một trong những bảo vệ già nhất tại sân Cần Thơ. Như bác Dưỡng tâm sự thì “tôi đã làm tại nơi này sắp tròn 18 năm và yêu thích công việc này”.
Từng đi bộ đội và bị thương, bác Dưỡng được chuyển về công tác tại sân Cần Thơ vào năm 1998. Nhiệm vụ của bác Dưỡng là bảo vệ sân Cần Thơ ở cổng khán đài B. Theo đó, công việc được giao theo ca để thay nhau trực.
“Tôi làm sắp tròn 18 năm nhưng sân Cần Thơ chưa xảy ra bất kỳ chuyện gì lớn, chỉ có vài chuyện lặt vặt không đáng kể. Khi chúng tôi thay nhau túc trực cả ngày lẫn đêm. Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ tài sản cho sân Cần Thơ cũng như canh gác khi cần thiết…”, bác Dưỡng tâm sự.
Cùng là nhiệm vụ bảo vệ với bác Dưỡng, bác Nghĩa (61 tuổi) gắn bó với sân Cần Thơ trong nhiều năm và lao động đầy tận tụy. Bác Nghĩa luôn túc trực trước cổng khán đài B trong những trận đấu trên sân nhà của XSKT.Cần Thơ.
Theo như bác Dưỡng tâm sự thì “Chúng tôi làm bảo vệ sân Cần Thơ để mưu sinh với công việc ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi dành cho nơi này tình yêu rất lớn cùng niềm đam mê thể thao. Nói thật, những ngày nghỉ thì nhớ sân bóng lại chạy ra, chạy vào chứ không muốn ngồi ở nhà…”.
Có thể nói, sân Cần Thơ đã may mắn có được những người cận vệ già tận tụy, không chỉ lao động vì miếng cơm manh áo mà còn dành cả tâm huyết lẫn tình yêu lớn lao dành cho niềm tự hào của xứ Tây Đô.