Cuộc đua vô địch V.League 2016 kết thúc kịch tính như kịch bản phim hành động Hollywood, nhưng nhìn lại phần diễn ra trước ngày hạ màn lại nhiều "kịch" hơn cả cuộc đua trụ hạng mùa trước.
Đá thật... như khán giả dự đoán
Thời điểm cuộc đua trụ hạng V.League 2015 sắp ngã ngũ, HLV lão làng Trần Bình Sự từng nhận định "cờ vào thế rồi". Vị HLV hơn 50 năm gắn bó cùng bóng đá Việt Nam cho rằng công an cần điều tra những trận đấu bị dư luận nghi ngờ như XSKT.Cần Thơ thắng Hải Phòng và SLNA, hay HA.GL thắng SLNA.
Đó là những trận đấu mà đội thua bị chính CĐV nhà lên án thiếu trung thực. Nó khiến sự kịch tính trong cuộc đua trụ hạng V.League 2015 bị người hâm mộ đặt vấn đề có "tính kịch", dù điều này chỉ có thể nằm trong sự nghi ngờ vì Ban tổ chức giải khẳng định không có.
Trở lại với cuộc đua vô địch kịch tính đến phút cuối ngày hạ màn của V.League 2016. Sự cao trào ấy được dựng lên từ những trận đấu nhàm chán và thiếu chuyên nghiệp của một số đội bóng ở các vòng cuối, cũng không thể bỏ qua một vài trận đấu bị dư luận "điểm mặt" trước giờ bóng lăn.
Trong các vòng đấu cuối, 2/3 trận đấu của Hải Phòng được khán giả dự đoán trúng kết quả. Đó là chiến thắng dễ dàng trước Long An và SLNA, chỉ có trận thua 2-3 trước XSKT.Cần Thơ ngoài sức tưởng tượng của nhiều người, có lẽ bất ngờ... cho cả người trong cuộc.
Cả Long An và SLNA đều thi đấu với đội hình có quá nhiều cầu thủ dự bị, thậm chí có những cầu thủ chưa bao giờ được đá chính thức ở V.League 2016. Chính HLV Ngô Quang Sang đã huỵch toẹt điều ấy và thẳng thắn nói không quan tâm chuyện làm ảnh hưởng cuộc đua vô địch.
Trước đó, trận đấu giữa CLB Sài Gòn và HN.T&T cũng bị dư luận nghi ngờ ngay từ đầu. Kết quả là đội bóng Thủ đô chơi trong bối cảnh nhiều cầu thủ bị… sốt và vắng bộ đôi Văn Quyết – Samson vẫn thắng dễ 3-0 ngay trên sân Thống Nhất.
Có một hình ảnh rất đặc biệt sau trận đấu giữa CLB Sài Gòn và HN.T&T là bầu Hiển xuống động viên đội thua. Ông bầu này không ngại trước chuyện dư luận soi mói. Bầu Hiển đã bắt tay HLV Đức Thắng, cất lời an ủi các cầu thủ Sài Gòn.
Tất cả tạo nên vòng hạ màn kịch tính đến phút cuối kiểu "bom tấn" của Hollywood. Nhưng cần nhắc là nhiều khán giả cùng các "bạc già" bóng đá Việt Nam như HLV Lê Thụy Hải, ông Đoàn Minh Xương không hề bất ngờ vì họ đã đoán trước… HN.T&T vô địch.
Từ sự thật phơi bày về những trận đấu diễn ra đúng như suy nghĩ của nhiều khán giả. Nó đáng sợ... khi mọi thứ không sai lệch, cũng chẳng che mờ như các trận đấu bị nghi "bốc mùi" ở V.League 2015.
Đến vai trò của Ban tổ chức
Đóng vai cầm cương cho giải đấu nhưng bi hài là VPF chỉ lắng nghe ý kiến từ các đội bóng, họ bỏ qua ý kiến dư luận. Một cách ứng xử mà nhiều người không thể không đặt vấn đề là Ban tổ chức giải liệu có phải chấp nhận chạy theo cuộc chơi trong những vòng cuối V.League 2016.
Sau vòng 21, cuộc đua trụ hạng và vé play-off gần như được định đoạt xong, tất cả đều hướng mắt về cuộc đua vô địch. Một nỗi lo hiện ra trước mắt dư luận là những đội bóng hết mục tiêu trở thành "kho điểm" cho các đội đua vô địch.
Lạ thay, đại diện VPF hết lần này đến lần khác đều khẳng định các đội bóng đó sẽ đá hết sức. Lý do được đưa ra là Ban lãnh đạo các đội bóng cam kết không buông và đá hết mình vì khán giả nhà.
Điển hình như trường hợp Tổng giám đốc VPF ông Cao Văn Chóng từng so sánh theo kiểu bắc cầu là đội hình mạnh nhất của Long An đá lượt đi thua 0-5 trước Hải Phòng, còn lượt về thua 2-5 thì không thể nói họ… đá không hết sức. Nói như thế là không công bằng vì Long An rõ ràng yếu hơn so với Hải Phòng.
Nghịch lý là ông Cao Văn Chóng cho biết một đường nhưng HLV Ngô Quang nói một nẻo. Thuyền trưởng Long An trong cuộc họp báo sau trận cho biết ông dùng nhiều quân dự bị do cần toan tính cho trận play-off với Viettel, nhưng ông Chóng lại được trả lời với lý do khác là các trụ cột chấn thương, bị đau.
VPF rõ ràng tin "các cánh tay nối dài" hơn ý kiến dư luận, kể cả thực tế phơi bày trước mắt là các đội bóng hết mục tiêu đều thua sấp mặt. Nhưng đặt trong tình cảnh cuộc đua trụ hạng năm ngoái, HLV Trần Bình Sự lên tiếng nghi ngờ tiêu cực lại "ăn" văn bản cảnh cáo từ Ban tổ chức giải.
Khó hiểu và khó lý giải đến thế là cùng. Nhưng có một điểm chung từ chuyện hành xử khác nhau trong 2 năm liên tiếp của VPF là giải đấu đã hạ cánh an toàn, còn ý kiến từ dư luận chỉ là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
V.League 2016 kịch tính như "tính kịch" để dẫn khán giả đi đến tận phút cuối nhưng lại rất nhạt. Vì quá nhiều người đoán được kết cục, nó diễn ra suôn sẻ đến tận ngày hạ màn mà không phải chờ có trận đấu đá "sống chết" như Đồng Nai và HA.GL ở mùa trước, sau đó mới có chuyện "cờ vô thế".
V.League 2016: Thành công kiểu VPF (Kỳ 2)