“Mỗi nơi có cách cổ vũ và nét đẹp riêng mang bản sắc của mỗi địa phương. Chúng tôi không thể so sánh với sự cuồng nhiệt và cháy hết mình, dù đội bóng có thi đấu không tốt như SLNA hay T.Quảng Ninh được bởi Gia Lai là nơi quy tụ người dân bốn phương về đây lập nghiệp. Thế nên vấn đề bản sắc địa phương là yếu tố khác biệt so với nhiều đội bóng khác. Không ngạc nhiên khi nhiều CĐV đến cổ vũ bóng đá theo chiều hướng tò mò, hiếu kì với một đội bóng đá đẹp, được nhiều người ca tụng. Bởi vậy, số lượng cổ động viên ở Pleiku có giảm thì đó âu cũng là xu hướng tất yếu”. Ông Võ Hồng Nhân, PCT Hội CĐV HA.GL chia sẻ khi nói về việc sân Pleiku không còn hiện tượng “vỡ sân”.
“Những thời điểm khó khăn mới biết đâu là CĐV thực sự, trung thành và đến sân vì đội bóng. Tôi nghĩ cũng không thể trách những người đi xem theo kiểu phong trào vì đó là nhu cầu cá nhân, sau một thời gian bị tâm lý đám đông cuốn theo và khi đội chơi không tốt thì không còn nhu cầu đến sân…”, ông Nhân thấu hiểu.
“Không phải chỉ ở Bình Dương mà ở Gia Lai cũng đã từng xuất hiện những nhóm CĐV cực đoan. Một khi đã tách nhóm, lập hội riêng thì rất dễ có biểu hiện tiêu cực nhưng không thể cấm họ. Theo tôi, vì cái chung, BTC địa phương nên tập hợp lại các nhóm CĐV để quy về thành một nhóm và ra tuyên bố chỉ có một Hội CĐV chính gốc của đội bóng, hoạt động phi lợi nhuận, cổ vũ trong sáng, vì bóng đá thì mới có thể cùng nhau tạo nên nét đẹp văn hóa cổ vũ trên khán đài”.
TRẦN KHÁNH