“Nguyên nhân thì ngoài sức ép thành tích buộc phải thắng bằng mọi giá thì đó còn là bản chất của cầu thủ, khi nhiều người có tư tưởng kém, lười. Chẳng hạn, thay vì chạy theo lấy trái bóng nhưng bị mệt nên đối phương qua mặt thì họ liền vung chân đá thẳng như cách vừa dằn mặt và nếu trọng tài sai sót, họ có thể lấy được bóng. Thế nhưng nguyên nhân chính đến từ sự thiếu quyết liệt của BTC.
Đương nhiên, trọng tài cũng là con người, chuyện sai sót khó tránh khỏi. Song hiện tại mỗi sân bóng tới tới 6 camera. Thế nên chuyện cầu thủ đá rắn, đánh nguội hay dùng tiểu xảo nếu xem lại một cách kĩ càng sẽ phát hiện ra hết. Vấn đề là BTC có chịu khó xem kĩ lại tất cả trận đấu để rồi đưa ra những án phạt kịp thời, mang tính răn đe hay không mà thôi. Để bạo lực giảm hẳn, không phải là chuyện phạt 6 tháng hay 1 năm mà là phải ngăn chặn kịp thời hành vi. Đừng để lần đầu xảy ra rồi lần sau tái phạm, nó rất dễ xảy ra hệ lụy thành căn bệnh nan y lây lan khắp nơi.
Nói vui chứ vấn nạn bạo lực cũng như vấn đề đội mũ bảo hiểm vậy. Khi có công an, xử phạt nặng thì mọi người bắt đầu sợ, dần dần đi vào nề nếp. Ở đây, điều tôi muốn nói đến là ý thức của mỗi người, sự giám sát từ phía BTC và cần có cơ chế thật nặng, bởi chỉ đánh vào “nồi cơm” mới khiến họ thay đổi.
Đối với S.Khánh Hòa BVN, tôi chú trọng đến vấn đề chọn con người, không cổ súy cầu thủ đá bậy, quán triệt tư tưởng cho họ và dù trận đó buộc phải thắng cũng không có chuyện thắng bằng mọi giá. Có đá đẹp, đá sạch, chúng tôi mới nhận được sự tin yêu từ NHM”, HLV Võ Đình Tân trăn trở với vấn nạn bạo lực ở V.League.
TRẦN KHÁNH (ghi)