HLV Lê Thuỵ Hải cho rằng: “Xã hội nào thì bóng đá ấy. Người Việt Nam chưa phải là quá yêu thích bóng đá. Một số CĐV nói lớn lao thế thôi nhưng mà có ai đến sân xem không?”.
Trước khi đề cập đến vấn đề về bóng đá Việt Nam HLV Lê Thụy Hải mở lời thực trạng V.League: “Cách nào để xóa bỏ tư tưởng một ông bầu nhiều đội bóng ấy à? Cái này phải hỏi Liên đoàn. VFF có một cái rất dở là quy định như vậy nhưng không thực thi được, có luật mà không có lệ, có luật nhưng không ai dùng được luật”.
Tuy nhiên, HLV kỳ cựu của bóng đá Việt Nam cũng lật ngược vấn đề: “Còn một cái khó nữa, tôi phải nói thật lòng. Nếu ông bầu mà không có nhiều đội thì bóng đá Việt Nam đi về đâu? Ví dụ, ông Hiển chỉ có 1 đội thôi thì những đội kia không có tiền thì sẽ đi về đâu? Nói gì thì nói, tôi phải khẳng định nếu không có ông Hiển thì bóng đá mình còn kém nữa”.
Ông Hải dẫn chứng cụ thể: “Tất cả những CLB chúng ta thấy đầu tư thấp như Long An, B.Bình Dương đều kém hẳn đi. Điều này trông thấy rất rõ. Hay ví dụ XSKT Cần Thơ, một đội có lực lượng những năm trước tốt đến năm nay không đầu tư thêm là khác rồi. Không có những ông bầu thì chúng ta lấy đâu đội ra chơi và các đội còn yếu đi nữa”.
“Hải Phòng năm ngoái đầu tư tốt nhưng năm nay đi xuống rồi vì có thêm được cầu thủ nào mới mà tốt đâu. Chúng ta thấy rõ vậy”.
Từ câu chuyện ông bầu, trận đấu tâm điểm vòng 25 V.League 2017 giữa Hà Nội FC và Quảng Nam bị đẩy quá sâu vào bên lề dẫn đến chuyên môn bị lãng quên. Nhiều người cho rằng bàn thắng của Văn Quyết “giải cứu V.League”, đưa cuộc đua vô địch trở nên khó lường và kịch tính.
HLV Lê Thụy Hải không thấy vậy: “Giải đấu như hiện tại là đi xuống, chất lượng không bằng được ngày xưa. Thứ nhất, chất lượng ngoại binh giảm. Thứ hai, khán giả đến sân ít”.
Sự ngạc nhiên lớn nhất của HLV người Hà Đông (Hà Nội) là vị trí của Quảng Nam, ông nói: “Cuộc đua vô địch như hiện tại là bình thường. Ngạc nhiên nhất Quảng Nam năm nay đi sâu và có nhiều cơ hội vô địch”.
“Cả V.League có 14 đội thì FLC Thanh Hóa chuẩn bị tốt nhất, cầu thủ tốt nhất. Hà Nội FC thì vẫn ổn định, thậm chí số cầu thủ trẻ tiến bộ rất nhanh. Điều ấy ta thấy rõ. Một điều nữa, những CLB cạnh tranh chức vô địch lúc này đều có thêm 1 cầu thủ ngoại nhập tịch giúp tăng khả năng vô địch”.
Ở một diễn biến khác, từ đánh giá của cựu HLV CLB TPHCM, Alain Fiard, về việc cầu thủ Việt Nam ý thức sinh hoạt chưa tốt dẫn đến thể lực không đảm bảo trong các trận đấu.
HLV Lê Thụy Hải cười, nói rằng “cái này có từ xưa cũ rồi”. “Chúng ta muốn thay đổi thì phải làm nhiều thứ. Giáo dục đối với cầu thủ trẻ, hướng dẫn họ lớn lên làm thế nào trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, ít nhất là thế đã”, ông nói.
“Báo chí nói bóng đá Việt Nam chưa chuyên nghiệp, nhiều người cũng nói vậy và coi đó là sự chuyên nghiệp nửa vời. Giải đấu chuyên nghiệp mà lại chưa chuyên nghiệp hẳn thì cầu thủ như thế. Chúng ta đừng so sánh với cầu thủ nước ngoài, họ không phải chuyên nghiệp mà là nhà nghề. Khác nhau lắm”.
Ông cũng khẳng định: “xã hội nào thì bóng đá ấy. Người Việt Nam chưa phải là quá yêu thích bóng đá. Một số CĐV nói lớn lao thế thôi nhưng mà có ai đến sân xem không?”.
“Cầu thủ bị ảnh hưởng từ xã hội là điều đương nhiên. Báo chí đề cập nhiều cũng ảnh hưởng lớn đến các cầu thủ. Cứ xoáy sâu giải này một ông bầu mấy đội bóng. Những đội khác thấy thế cũng lại dần có tư tưởng đá cho xong vì khó vượt qua được các đội của ông bầu kia. Tự nhiên bóng đá nước ta kém đi là đương nhiên. Báo chí cứ toàn soi vào cái xấu, chẳng thấy nói về cái tốt mấy”.
“Liên đoàn phải vẽ đường đi cho cầu thủ”
Về chuyện cầu thủ Việt Nam chưa chuyên nghiệp, HLV Lê Thụy Hải đòi hỏi vai trò của Liên đoàn bóng đá Việt Nam phải được đẩy cao hơn, ông bày tỏ: “Đầu tiên phải là VFF. Bóng đá Việt Nam thì VFF phải là nơi đưa ra những quyết sách, đường đi cho cầu thủ để người ta biết đi đến đâu, người ta cần làm gì. VFF phải làm được để các CLB thấy được điều ấy. Các CLB thấm nhuần rồi thì mới truyền tải được cho các cầu thủ. Điều ấy chúng ta thấy rõ là chưa làm được”.
Ông Hải cũng đánh giá cao vai trò của các lò đào tạo mới nổi thời gian qua như Viettel, Hà Nội, PVF, HAGL. “Vai trò của những đội bóng có đội trẻ tốt đã được thể hiện rõ ràng. Vì có những nơi như thế mà chúng ta mới có đội U16, U19, U20, có đội vào đến World Cup. Thật sự, đấy là những lò đào tạo tốt, cầu thủ xứng đáng”.
“Lứa trẻ tốt như HAGL nhưng khi lên V.League, tự nhiên các em chững dần. Nếu chơi được ở V.League thì cũng đi xuống rất nhanh, nổi lên 1 chút rồi đi xuống, không giữ được lửa. Điều đó chính vì giáo dục yếu kém mới để xảy ra điều đó”, HLV Lê Thụy Hải kết luận.