Thử việc sinh viên
Kết thúc V.League 2015, Đồng Tháp đã chia tay 13 cầu thủ và quân số chỉ còn đúng 12 người. Đó là chưa kể nguy cơ thanh lý hợp đồng sớm với “ngôi sao số 1” Nguyễn Thanh Hiền. Với kinh phí eo hẹp, đội chủ sân Cao Lãnh chỉ tái ký với 2 cầu thủ là Văn Bước và Công Thuận, còn 11 cầu thủ khác đã chính thức chia tay đội bóng, trong đó có những trụ cột như Hồ Phước Thạnh về TP.HCM còn Đức Lộc cập bến XSKT.Cần Thơ.
Tình thế bắt buộc Đồng Tháp phải ráo riết tuyển quân từ nguồn cầu thủ “hàng dạt” trên khắp cả nước. Thậm chí, họ đã thử việc 2 sinh viên của Đại học Huế, đội bóng đã vô địch giải sinh viên toàn quốc 2015. Ngoài ra, họ còn thử việc 3 cầu thủ trẻ của Cà Mau, 5 cầu thủ trẻ của Trung tâm TDTT Đồng Tháp và 10 cầu thủ đến từ giải hạng Nhất, hạng Nhì.
Theo sự lý giải của BLĐ CLB , họ không có được nguồn kinh phí dồi dào nên đành phải “đãi cát tìm ngọc thô”. Một nguyên nhân khách quan khác là công tác đào tạo trẻ của Đồng Tháp trong 2 năm qua không còn được duy trì tốt nên bị “thủng”.
Bây giờ, Đồng Tháp cần 2 năm nữa để có một lực lượng trẻ đôn lên đá V.League. Cái bắt tay của CLB Đồng Tháp với Trung tâm TDTT Đồng Tháp mới đây cũng vì mục đích ấy.
Nỗi lo tiềm ẩn
Trước thềm mùa bóng 2015, Đồng Tháp được các doanh nghiệp chìa tay cứu với sự ra đời của Công ty CP phát triển bóng đá Đồng Tháp, tổng kinh phí hoạt động cho cả năm là 24,5 tỷ đồng. Trong số tiền ấy, có 6 tỷ đồng đến từ nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp Nhà nước do lãnh đạo tỉnh vận động.
Trong mùa 2015, Đồng Tháp đã phải “thắt lưng buộc bụng” và chịu khó “nhặt tiền lẻ” từ tiền bán vé, biển quảng cáo, đồ lưu niệm. Nhờ vậy, họ mới hoàn thành mục tiêu trụ hạng và lỗ chỉ 11 tỷ so với 14 tỷ dự kiến. Tuy nhiên, theo thông tin mà Thể thao 24h tìm hiểu, kinh phí mùa bóng tới của Đồng Tháp khó chuyển biến tích cực hơn so với năm nay.
Với Đồng Tháp, bài toán “tiền bạc” vẫn là nỗi ám ảnh hết mùa này qua mùa khác. Các doanh nghiệp góp vốn nhưng số vốn ban đầu chỉ nhằm giúp đội bóng “cầm hơi”. Muốn sống được, đội bóng phải tự kiếm được tiền để không bị thâm hụt quá nhiều. Ngược lại, nếu đội bóng không tự kiếm được tiền từ các “cửa” kinh doanh của mình, các doanh nghiệp tư nhân cũng khó có thể đầu tư thêm.
Với cái vòng luẩn quẩn ấy, BLĐ Đồng Tháp bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự san sẻ thêm phần trách nhiệm từ phía lãnh đạo Tỉnh. Nếu không, số phận của đội chủ sân Cao Lãnh sẽ vẫn chông chênh trong mùa tới và không ai biết sẽ… “đột tử” lúc nào.
Trong 10 cầu thủ trẻ thử việc hiện tại, Đồng Tháp mới chỉ nhắm được 1 người. Mùa trước, đội chủ sân Cao Lãnh đã đôn lên một số gương mặt trẻ như Đồng Tháp, Nguyễn Công Thành, Thiện Chí… Mùa tới, họ sẽ buộc phải sắm vai chính trong bối cảnh khan người.
Sau mô hình bóng đá chuyên nghiệp với sự chung tay của các doanh nghiệp, Đồng Tháp chưa có được sự “tươi mới” về tài chính và vẫn gặp vô vàn khó khăn trong quá trình chuẩn bị lực lượng. Một ý tưởng mới có thể được áp dụng là Đồng Tháp sẽ làm bóng đá theo mô hình xã hội hóa, với việc bán cổ phiếu cho NHM, để nuôi đội bóng.