Toàn bộ cầu thủ ra sân của SLNA đều sinh năm 1990 trở về sau nhưng sức trẻ đã không thể chiến thắng được trước kinh nghiệm, sự từng trải của đối phương.
Trẻ, khoẻ nhưng không tinh
Với hệ thống đào tào trẻ cực kỳ bài bản, SLNA vẫn luôn tự hào, họ là một trong những cái nôi cung cấp cầu thủ cho cả V.League. Khỏi cần giải thích nhiều thì ai cũng hiểu, khi cầu thủ Nghệ An hiện phủ khắp các giải đấu lớn nhỏ ở Việt Nam. Từ niềm tự hào đó nên đội bóng xứ Nghệ cũng xác định, họ sống được với “vốn tự có” của mình.
Mùa giải 2016, họ đôn lên và gọi về một loạt gương mặt trẻ như Viết Nguyên, Văn Đức, Xuân Mạnh, Sỹ Nam…. và tự tin rằng, sức trẻ đủ sức giúp họ chơi tốt ở giải đấu số 1 Việt Nam. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh câu chuyện hoàn toàn khác. Những cái tên như Khắc Ngọc, Phi Sơn, Mạnh Hùng hay các tân binh như Văn Đức, Viết Nguyên đều là những cái tên có số má ở các giải trẻ nhưng ở mặt trận V.League, họ chưa đủ tầm để tạo ra được sự khác biệt.
Khắc Ngọc rất quyết tâm để thay thế Quang Tình quán xuyến tuyến giữa nhưng dù đã rất nỗ lực, tiền vệ trẻ này vẫn chưa có được độ quái cần thiết để tung ra những đường chuyền quyết định. Người đá cặp với Khắc Ngọc ở trung tâm hàng tiền vệ là Ngọc Toàn cũng chỉ tròn vai, chứ không chơi sức mạnh, lỳ lợm kiểu như Văn Bình hay Hoàng Thịnh trước đây.
Một cầu thủ chinh chiến nhiều như Mạnh Hùng cũng thể hiện sự non nớt, khi liên tiếp vào bóng thiếu kiềm chế và nhận thẻ đỏ thì khó trông chờ vào những gương mặt khác. Khi bóng đá trẻ được các CLB đầu tư bài bản, thì sự khác biệt của lò Sông Lam là không nhiều và vì thế, đội bóng xứ Nghệ không tạo ra được điểm nhấn, để rồi khi đương đầu thử thách, họ dễ dàng đầu hàng trước một đối thủ có kinh nghiệm, đẳng cấp và khát khao chiến đấu không hề thua kém.
Nước cờ sai?
Một trận đấu chưa nói lên nhiều điều nhưng sau trận đấu với Hải Phòng, khoảng trống mà những trụ cột như Đình Đồng, Hoàng Thịnh, Quang Tình để lại trở nên rất mênh mông. Thực tế trước đây, SLNA thường đứng vững và thành công với chiến thuật cấy ghép. Nghĩa là họ giữ lại một số cầu thủ lớn tuổi, có kinh nghiệm, kết hợp với đôn lên các gương mặt trẻ. Sự kế hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ giúp đội bóng xứ Nghệ có sự giao thoa, chuyển giao rất hợp lý giữa các thế hệ. Đó cũng là bí quyết mà bao nhiêu năm chơi ở giải đấu số 1 Việt Nam, SLNA đều giữ được vị thế của mình. Họ hiện là đội bóng duy nhất ở Việt Nam tham dự tất cả các mùa giải V.League từ khi ra đời.
Nhưng ở mùa giải 2016 thì khác, SLNA muốn làm cách mạng bằng cách trẻ hoá toàn bộ đội hình và chấp nhận để những trụ cột như Hoàng Thịnh, Quang Tình, Đình Đồng ra đi. BHL đội bóng xứ Nghệ tự tin, họ sẽ sống được bằng sức trẻ, độ khát khao cống hiến của mình. Nhưng khi nhập cuộc và đương đầu thử thách người ta mới nhận thấy SLNA thiếu đủ thứ.
Họ không có một thủ lĩnh thực sự trên sân, họ không có một ngôi sao để tạo ra sự khác biệt, họ không có sự vượt trội về chuyên môn của các nhân tố trẻ để gây đột biến. Bế tắc và rất cần một sự thay đổi nhưng với những con người hiện tại, SLNA không nhiều hy vọng. Khi để Phúc Tịnh, Sỹ Sâm, Viết Nguyên vào sân thay người, người ta đã đủ thấy, sự thiếu thốn về nhân sự của đội bóng xứ Nghệ.
Mùa giải còn dài và để đứng vững với những gì mình đang có, SLNA của Quang Trường chắc chắn có rất nhiều việc phải làm.
Xưa nay, với bóng đá trẻ, SLNA thường rất tự hào. Nhiều năm liên tục, họ thâu tóm rất nhiều danh hiệu ở giải quốc gia. Dù vậy, 1-2 năm trở lại đây, với sự vươn lên của các lò đào tạo khác, bóng đá trẻ của SLNA không còn duy trì được vị thế. Khác biệt không còn lớn nên đội 1 dù là tập hợp của những nhân tố trẻ tốt nhất, SLNA vẫn trở nên rất tầm thường.
SLNA là đội có độ tuổi trung bình trẻ thứ 2 ở V.League mùa này (sau HA.GL). Người xứ Nghệ tự hào vì cầu thủ của họ trẻ nhưng vẫn cáng đáng được việc lớn. Thế nhưng, trận thua Hải Phòng đã chỉ ra nhiều thứ, khi sức trẻ thôi dường như là chưa đủ cho một cuộc chiến khốc liệt như V.League.