Sau khi Đình Đồng vào bóng khiến Anh Hùng bị gãy chân trong trận đấu giữa SLNA – HV.An Giang ở đầu mùa 2014, hậu vệ xứ Nghệ nhận được rất nhiều lời chỉ trích và gánh chịu áp lực khủng khiếp. Một tình huống cả hai cùng ham bóng và không may sau pha va chạm này, Anh Hùng bị gãy chân một phần do… quên ống quyển và có thể đã “chữa cháy” bằng một tấm bìa giấy chứ không phải ống quyển của trẻ nhặt bóng như thông tin đưa ra.
Dư chấn của pha va chạm là rất lớn, lại xảy ra đúng vào thời điểm vấn nạn bạo lực sân cỏ đang leo thang với rất nhiều vụ việc làm dậy sóng dư luận ở V.League trong khi các quan chức VFF đang giương cao lá cờ chống tiêu cực, bạo lực. Thế nên, VFF phải làm nghiêm, chọn vụ Đình Đồng là “án điểm”: Treo giò hết năm (tức là 9 tháng với khoảng 28 trận), án phạt thuộc diện kỷ lục của BĐVN và cả thế giới.
Phải “ngồi chơi xơi nước” đúng vào thời điểm sự nghiệp đang bước vào độ chín, gần như mọi cánh cửa đóng sập với Đình Đồng. Sự nghiệp bị gián đoạn, cuộc sống bị đảo lộn, Đình Đồng đã phải trả một cái giá rất đắt.
Nỗ lực để trở lại và được giảm án, hậu vệ này luôn thể hiện sự khát khao, quyết tâm để lấy lại hình ảnh của chính mình. Thế nhưng, do vẫn còn bị ám ảnh với tình huống trên sân Vinh, suốt cả giai đoạn khi bắt đầu thi đấu trở lại, Đình Đồng không thể lấy lại phong độ. Tâm lý căng cứng, không thoải mái mỗi khi ra sân khiến hậu vệ này chỉ còn là cái bóng của chính mình.
Miêu tả về những gì xảy ra và cá nhân phải hứng chịu từ một tình huống bóng, Đình Đồng chỉ dùng 2 từ ngắn gọn: “Khủng khiếp và ám ảnh”. Thế nên, với trường hợp của Quế Ngọc Hải dù phải nhận bất kể án kỷ luật nào từ VFF có lẽ đó không phải là điều quan trọng nhất mà “bản án lương tâm”. Nỗi ám ảnh sau một pha vào bóng để lại dư chấn rất lớn mới là thứ trung vệ SLNA cảm thấy day dứt nhất.
Cái đó, có thể các quan chức VFF lẫn Ban Kỷ luật có thể không biết và hoặc không ưu tiên quan tâm (?!).
PHƯƠNG ANH