Ngay với ĐTVN, vị tiền nhiệm của nhà cầm quân người Hà Tĩnh từng chê bai thậm tệ chất lượng sân tập của trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, từ đợt tập trung vào ngày 23/5 tới, ĐTVN sẽ được tập luyện trên sân tập với trên mặt sân "đẹp mê li".
Thực tế, không phải sân nào tại Việt Nam cũng chịu cảnh bết bát như vậy. "Gã nhà giàu" Viettel dù đang chơi giải hạng Nhất cũng đã đầu tư hệ thống sân tập đạt chuẩn khiến nhiều đội bóng khác phải ao ước. Vậy tiền có phải là vấn đề? Một nguyên nhân khác là điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng được nhắc đến như yếu tố chính khiến chất lượng cỏ không đảm bảo, một ví dụ điển hình là trận Siêu cúp QG 2016 trên sân Thanh Hóa, các cầu thủ phải thi đấu trên mặt sân toàn cát khi cỏ đã chết sạch.
Đi tìm hiểu kỹ hơn về việc chăm sóc cỏ, phóng viên nhận được những câu trả lời hoàn toàn khác so với nhiều người vẫn lầm tưởng. Loại cỏ chuyên dùng cho các sân bóng đá với cái tên Bermuda không quá xa lạ với người dân Việt Nam. Thực chất, nó cùng họ với cỏ gà vẫn thường hay mọc dại khắp nơi. Tuy nhiên, cỏ Bermuda đã được thuần chủng tạo ra những đặc tính khác với cỏ dại: lá nhỏ, khoảng cách các đốt thân ngắn nên mật độ lá dày, tạo độ đan xen và che phủ cho sân tốt, khả năng hồi phục nhanh, phù hợp với đặc thù của sân bóng là chịu va chạm mạnh.
Với những đặc tính đó, cỏ Bermuda khá phù hợp với điều kiện môi trường, thời tiết ở Việt Nam, chỉ cần được chăm sóc thường xuyên loại cỏ này sẽ được phát triển rất tốt. Kể cả dưới những điều kiện khắc nghiệt như mùa đông tại miền Bắc với nhiều sương muối, nếu được chăm sóc đúng cách, rất khó để loại cỏ này chết sạch.
Đem chuyện nhiều sân kêu trời mỗi khi mùa Đông đến, các đội bóng thường phải chịu cảnh tập bóng trên... sân đất vì cỏ không thể sống sót, phóng viên nhận được cái lắc đầu đầy ngạc nhiên của những người có chuyên môn. "Không thể đổ lỗi cho thời tiết được đâu, chúng tôi bắt đầu trồng lại cỏ trên sân này trước tết Nguyên đán đúng 1 tuần, tức là ngày 7/2. Thời tiết khi đó có thể nói là cực kỳ khắc nghiệt nhưng đến nay cỏ vẫn phát triển tốt đấy. Có chăng là nó sẽ khó phát triển mạnh mẽ bằng mùa hè được thôi", bà Đặng Cẩm Thanh, cán bộ chuyên môn của công ty Punta, đơn vị thực hiện việc bảo dưỡng mặt cỏ tại trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cho biết.
"Tất nhiên, cần có chế độ chăm sóc kỹ lưỡng để chúng không chịu sự tác động của môi trường. Hàng ngày, chúng tôi đều tưới nước vào sáng sớm để rửa sương muối còn đọng lại trên lá. Cùng với đó, việc bón phân đạm để tăng sức đề kháng cũng như sức chịu lạnh của cỏ được tốt hơn. Việc này chúng tôi thực hiện thường xuyên và có kế hoạch tăng cường khi mùa đông đến, chứ không chờ nước tới chân mới nhảy", bà Thanh nói.
Tiếp tục câu chuyện về sức sống của loại cỏ lá nhỏ này, bà Đặng Cẩm Thanh cho biết: "Cỏ Bermuda phát triển từ thân, rễ mọc từ những đốt cỏ cây nên sức sống của nó rất cao. Theo kế hoạch định kỳ, các nhân viên kỹ thuật sẽ dùng máy cắt xén, cắt nhỏ phần thân cỏ mọc lên cao và đem rải đều khắp sân. Phần thân này sẽ tự phát triển thành rễ và mọc thành cây mới, vì thế độ phủ bề mặt cao hơn và đảm bảo đủ tiêu chuẩn", vị nhân viên này chia sẻ.
"Để có được một mặt sân bóng đá vừa đẹp vừa đủ tiêu chuẩn thì cần một số loại máy móc chuyên dụng cũng như tuân thủ kế hoạch chăm sóc. Mỗi giai đoạn phát triển, cỏ Bermuda lại cần cách thức tưới nước, bón phân khác nhau. Việc này phải được làm thường xuyên. Nhìn chung chỉ cần chịu khó đầu tư một chút là chúng ta hoàn toàn có được một sân bóng tốt. Giá thành không quá đắt đâu, thậm chí khi chúng tôi công bố mức giá một gói bảo dưỡng, nhiều người sẽ giật mình đấy", bà Thanh kết luận.
Rõ ràng, với những điều chia sẻ kể trên, việc trồng và chăm sóc cỏ để các cầu thủ có thể chơi bóng trên mặt sân đạt tiêu chuẩn không khó tới mức nhiều người mặc định là điều không thể. Vậy tại sau tới lúc này nhiều trận đấu vẫn phải diễn ra trên mặt sân như... mặt ruộng khiến chất lương chuyên môn không đảm bảo và hơn nữa là cầu thủ đối mặt với nguy cơ chấn thương? Chắc chắn điều này không bởi lý do kỹ thuật.