Mở đầu cuộc trò chuyện với Thể thao 24h, ông Vũ Mạnh Hải cho rằng chưa biết động cơ của việc tố cáo là gì, sai hay đúng nhưng đây là việc làm dũng cảm và cần thiết với “đầu não” VFF cũng như BĐVN: “Bản thân tôi cũng biết anh Chương (nguyên Quyền Giám đốc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ VFF giai đoạn 2013-2014 Nguyễn Văn Chương, người tố cáo Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn – PV) không phải người suy nghĩ nông cạn và thiếu hiểu biết. Anh Chương từng là cựu cầu thủ, có học hành và nhiều năm sống, làm việc ở nước ngoài nên có kiến thức, sự tỉnh táo để dám đứng lên tố cáo. Xét về mặt gia đình, anh Chương cũng không phải là người thiếu thốn hay túng quẫn làm liều. Vì thế, tôi nhìn nhận lá đơn đó là có cơ sở và hành động của anh Chương có thể được coi là “người hùng”, khi dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm”.
Ông Hải cũng nói thêm, việc bị tố cáo nhận tiền hối lộ lên tới 100 triệu đồng sẽ không chỉ gói gọn trong quyền hạn của VFF. Bởi đây là vụ việc nhạy cảm, mang tính xã hội và pháp luật.
“Cả nước đang mạnh mẽ chống tham nhũng và tiêu cực. VFF chỉ là một hạt nhân trong xã hội, khi hiện nay muốn xin việc đa phần đều phải cần tới đồng tiền, đó là tệ nạn. Đã là tệ nạn, tôi nghĩ cần phải được đấu tranh làm rõ, công khai và minh bạch.
Ở đây, vụ việc tố cáo lãnh đạo VFF lại được VFF giao nhiệm vụ xử lý cho Ban Kiểm tra VFF thì tôi nghĩ thật hài hước”, ông Hải tiếp tục nói về vụ tố cáo tiêu cực ở VFF, và nhấn mạnh quan điểm nó cần được xử lý mạnh mẽ và triệt để.
Nhiều năm làm việc tại VFF và từng là Ủy viên Ban Chấp hành VFF, ông Hải cho rằng mình đủ hiểu và nhận thức về môi trường làm việc tại đây có những ưu nhược điểm gì: “Là tổ chức xã hội – nghề nghiệp nhưng trong khoảng 10 năm nay, việc quản lý ở cấp Nhà nước chưa thực sự sát sao. Vì thế, khi còn làm việc tại VFF, tôi cũng đã từng nghe đến những vụ việc tương tự liên quan đến hối lộ, nhận hối lộ và thất thoát về tài chính.
Có thể ví dụ, trụ sở VFF trước đây nằm ở phố Lý Văn Phức, Hà Nội được FIFA đổ rất nhiều tiền vào xây dựng, nhưng hiện nay đã cho thuê với mục đích sử dụng khác. Khi chuyển trụ sở ra đường Lê Quang Đạo, FIFA tiếp tục “bơm tiền” để xây Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nhưng vai trò, nhiệm vụ và cách hoạt động đều có vấn đề”.
“Khi tôi còn làm việc ở VFF cũng từng nghe rất nhiều câu chuyện phía sau những dự án, những bản hợp đồng lao động và các vị trí “có màu”… được giải quyết bằng “cửa hậu”. Nhưng tôi cũng chỉ biết và để đấy, bởi không có bằng chứng. Xưa nay ở VFF, người ngoài cũng chỉ nhìn nhận chuyện thành tích hay không thành tích, còn những vấn đề “hậu cung” và những chiêu trò, gần như không ai quan tâm”, ông Hải nói tiếp.
Theo cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải, khi có người đứng lên tố cáo, các cơ quan chức năng cũng nên nhân cơ hội này vào cuộc để làm tới cùng, trả lại minh bạch cho sự phát triển cho BĐVN: “Đây là nhiệm kỳ đầu tiên trong lịch sử của BĐVN, khi đưa một doanh nhân lên làm Chủ tịch VFF thông qua bầu cử. Dù đã xã hội hóa bóng đá từ khá lâu nhưng các nhiệm kỳ trước, vị trí đứng đầu VFF luôn “bắt buộc” phải là người Nhà nước. Như thế sẽ có sự chặt chẽ trong công việc và cách thức phối hợp, còn ở nhiệm kỳ VII này khi ông Lê Hùng Dũng lên nắm quyền, tôi thấy đó là kiểu “tự làm tự quyết” hết…”.
TRÚC AN (thực hiện)