Chưa đầy 24 tiếng sau khi đồng ý lá đơn xin từ chức của HLV Nguyễn Đức Thắng, CLB Thanh Hóa đã ra mắt tân thuyền trưởng vào chiều 1/7. Đúng như dự đoán của Webthethao từng đưa tin trước đó, ông Vũ Quang Bảo chính thức ngồi vào vị trí “ghế nóng” của đội bóng xứ Thanh cho đến hết giai đoạn 2 của mùa giải 2019.
Đây không phải lần đầu nhà cầm quân xứ Nghệ dẫn dắt CLB Thanh Hóa. Và ông Bảo cũng giống như chiến lược gia Nguyễn Đức Thắng từng là “nạn nhân” của cái máy “xay xát” HLV do chính các đời lãnh đạo đến từ đội bóng xứ Thanh gây ra.
Nếu tính sự trở lại của ông Bảo, trong 10 năm qua, CLB Thanh Hóa đã có đến 11 lần thay thế và bổ nhiệm cho vị trí HLV trưởng. Những chiến lược gia xuất sắc và có “số má” trong làng bóng đá Việt Nam như Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Vũ Quang Bảo và mới đây là Nguyễn Đức Thắng, hoặc 2 nhà cầm quân nước ngoài sở hữu bản CV xin việc khủng gồm Petrovic (từng vô địch Cúp C1 châu Âu) và Mihail Marian (cựu GĐKT Liên đoàn Bóng đá Romania) cũng không thể chịu nỗi cái tính khí “sáng nắng, chiều mưa” của tập thể đội bóng xứ Thanh này.
Vì thế mà dân trong nghề thường có câu “cửa miệng” về CLB Thanh Hóa rằng, chỉ duy nhất trợ lý Hoàng Thanh Tùng mới hiểu được cái tính khí thất thường ấy. Bằng chứng nhà cầm quân có biệt danh Tùng “béo” này từng 4 lần đóng vai “chữa cháy” trong những thời điểm mà lãnh đạo đội bóng loay hoay đi tìm người tài.
11 lần “thay ngựa giữa dòng”, có đến 8 HLV đã đến Thanh Hóa nhưng rồi phải ngậm ngùi ra đi, người hâm mộ vẫn đang nhắc lại câu hỏi mỗi khi đội bóng này thay “tướng” mới rằng, không biết ông Bảo sẽ trụ lại được bao lâu?
Nhiều người tài trên băng ghế huấn luyện đã được mời về, hàng loạt ngôi sao khép tiếng từng lần lượt cập bến Thanh Hóa, nhưng tất cả mà đội bóng này nhận được chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Sự nóng vội và can thiệp quá mức đến khâu chuyên môn từ phía Ban lãnh đạo, hay sự bất hợp tác của các cầu thủ khiến các HLV dù có tài giỏi thế nào cũng không thể giúp CLB Thanh Hóa được một lần bước lên đỉnh cao.
Sự ổn định ở cabin kỹ thuật là điều mà CLB Thanh Hóa tỏ ra thua kém so với các đội bóng khác. Lấy mẫu số chung là 10 năm, đội Hà Nội 4 lần vô địch V.League, con số ấy của đội Bình Dương và đội Đà Nẵng là 2. Hay thậm chí những CLB không có tiềm lực kinh tế mạnh như SLNA hay Quảng Nam vẫn được 1 lần xưng vương ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng ở đội bóng xứ Thanh thì số lần họ “trảm tướng” lại vượt quá tổng danh hiệu của các đội bóng kể trên.
Cái thiếu của CLB Thanh Hóa chính là sự kiên nhẫn và bên cạnh hạn chế can thiệp sâu đến chuyện chuyên môn từ phía Ban lãnh đạo. Vì thế mà đội bóng này giờ không khác gì cái máy “xay xát” HLV giỏi. Đến người ngoài cuộc vẫn nhận thức được rằng, các nhà lãnh đạo cần có sự bình tĩnh hơn nữa trong việc dùng người, bỏ đi thói quen “ăn xổi” và hãy trao quyền quyết định mặt nhân sự cho HLV trưởng, thì tin rằng mọi nỗ lực và công sức của đội bóng sớm muộn cũng được đền đáp.