Vụ Quế Ngọc Hải: Những bất cập nhìn từ một bản án

thứ ba 3-11-2015 22:12:32 +07:00 0 bình luận
Được xem như Tòa án nhưng Ban Kỷ luật không thể phân xử, đưa ra một bản án rõ ràng, cụ thể để các bên thực hiện. Rất nhiều bất cập khiến vụ việc này chưa thể chốt lại và sau một bản án, không biết bao nhiêu tranh cãi nảy sinh mà khó có hồi kết hay lối thoát...

Bản án “có một không hai”

Có thể khẳng định rằng, bản án mà Ban Kỷ luật VFF đưa ra để xử phạt Quế Ngọc Hải là hoàn toàn chính xác, nếu dựa trên Quy định kỷ luật sửa đổi bổ sung của VFF năm 2014.

Thực tế, sau khi Ban Kỷ luật tuyên án, trung vệ của SLNA thay vì gửi đơn khiếu nại đã đứng ra nhận trách nhiệm sau cú tắc bóng khiến Anh Khoa phải lên bàn mổ và mất 1 năm chữa trị.

Theo bản án Ban Kỷ luật VFF đưa ra, Ngọc Hải bị treo giò 6 tháng, chi trả toàn bộ số tiền điều trị chấn thương cho Anh Khoa. Thời hạn treo giò đã rõ nhưng việc những người có trách nhiệm ở VFF “thòng” thêm điều khoản không rõ ràng: “Ngọc Hải phải chịu toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa” khiến vụ việc rơi vào tình trạng bế tắc, khi trung vệ xứ Nghệ gặp khó khăn trong việc thương lượng với các bên liên quan để thực hiện án phạt nói trên.

Từ vụ việc của Ngọc Hải và Anh Khoa, có thể nhìn rộng vấn đề ra ngoài bóng đá để có thể thấy những bất cập trong bản án mà Ban Kỷ luật đưa ra để xét xử cầu thủ SLNA. Ví dụ một án dân sự bình thường có người bị hại và người gây ra tai nạn, khi vụ việc mà cả 2 bên không thể tự đứng ra giải quyết, đưa lên Tòa án để xét xử thì cơ quan này sẽ có phán quyết cuối cùng và đưa ra bản án rõ ràng cụ thể để các bên liên quan cùng đối chiếu theo để thực hiện đúng pháp luật. Đấy là quy định bắt buộc và đương nhiên mà bất kỳ phiên tòa thuộc lĩnh vực nào cũng phải có trách nhiệm thực hiện.

Thế nhưng, án kỷ luật Ngọc Hải của VFF thì không như thế, khi “quan tòa” (Ban Kỷ luật) lại không thể đưa ra bản án rõ ràng để chốt lại vấn đề để các bên cùng thực hiện. Chính việc mập mờ, thiếu định lượng trong câu chữ ở Quy định kỷ luật, khiến vụ việc này nảy sinh những tranh cãi và hệ lụy là các bên liên quan như cầu thủ Quế Ngọc Hải, 2 CLB SLNA và SHB.Đà Nẵng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể giải quyết sự việc phát sinh, mà số tiền cụ thể cho việc chữa trị chấn thương của Anh Khoa là bao nhiêu cũng chỉ là một trong những vấn đề khó giải quyết rốt ráo.

Quy định kỷ luật được xây dựng như thế nào?

Sau khi bản án với Ngọc Hải được ban hành, Ban Kỷ luật đã vấp phải sự phản ứng rất lớn của người trong cuộc và dư luận. Số đông đều tỏ ra bức xúc khi cho rằng, đây là bản án vô lý, “có một không hai” trong lịch sử bóng đá thế giới. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Quy định kỷ luật đã được xây dựng như thế nào và những thành phần nào đã cấu tạo nên?

Quy định kỷ luật của VFF được xây dựng và nhận được sự tán thành của tất cả 23 thành viên trong Ban Chấp hành (BCH) VFF, trong đó bao gồm đại diện của nhiều CLB đang thi đấu ở các giải chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bất cập được nhìn ra ở đây là trong BCH không phải thành viên nào cũng đến từ các CLB hoặc đi biểu quyết cũng chỉ đại diện cho đội bóng chứ không phải trên danh nghĩa cá nhân của cầu thủ. Thế nên, ngay cả khi họ đồng ý tán thành với Quy định kỷ luật mà VFF xây dựng cũng chỉ là đứng trên danh nghĩa của một đội bóng.

Bởi vậy, mới có án phạt dành cho cá nhân cầu thủ và căn cứ vào Quy định kỷ luật của Ban Kỷ luật trong vụ việc này, SLNA hoàn toàn vô can và họ hoàn toàn có lý nếu không thi hành án hộ cầu thủ của mình. Về phần trung vệ Quế Ngọc Hải, do không có người đại diện để thay mặt với tư cách cá nhân, nắm bắt, hiểu biết những điều khoản trong Quy định kỷ luật nên buộc phải tôn trọng luật và chấp nhận như một phần của cuộc chơi, dù trong bản án đó có những bất cập. 

Theo quy định của Ban Giải quyết khiếu nại VFF, các cầu thủ được phép khiếu nại 7 ngày kể từ ngày nhận quyết định. Thế nên, nếu bây giờ trung vệ Quế Ngọc Hải muốn gửi đơn khiếu nại xin giảm án kỷ luật cũng không thể thay đổi được tình hình, khi thời hạn khiếu nại đã hết.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm