“Ông nói gà, bà nói vịt”
Cho đến lúc này, tức là đã một tháng rưỡi kể từ ngày Ban Kỷ luật VFF “xử” Ngọc Hải, tất cả các bên có liên quan vẫn hết sức mông lung, cả trong cách thức lẫn con số bồi thường.
Đích thân bác sĩ thực hiện ca mổ, ông Tan Jee Lim, công bố chi phí là khoảng 650 triệu đồng trong buổi tọa đàm tại TP.HCM hôm 31/10. Có một chi tiết đáng chú ý, ông Lim cho rằng chi phí này khó phát sinh thêm trong quá trình phục hồi, bởi tất cả đã nằm trong dự tính của ông.
Đó là cơ sở để Ngọc Hải và SLNA… bám víu. Và bởi vì bám víu vào đó nên họ đương nhiên nảy sinh thắc mắc với con số SHB.Đà Nẵng đưa ra.
Cứ chiểu theo các loại hoá đơn, biên lai, bản kê… mà phía Đà Nẵng tổng hợp lại và gửi cho SLNA thì việc phẫu thuật, chữa trị chấn thương đầu gối của Anh Khoa đã “ngốn” xấp xỉ 830 triệu đồng. Chủ tịch Bùi Xuân Hòa không quên “thòng” thêm một câu: Chắc chắn sẽ còn tốn thêm nữa trong quá trình tái khám và phục hồi.
Sự chênh lệch này là quá lớn (180 triệu đồng ở thời điểm hiện tại), và nó rất có thể sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Ở góc độ của người phải bồi thường, Ngọc Hải và SLNA dĩ nhiên không dại gì “xuống nước” sớm.
Đấy là chưa kể lúc người trong cuộc còn đang “rối như canh hẹ” thì ở bên ngoài xuất hiện rất nhiều luồng thông tin “tham khảo”. Nào là phía bệnh viện Singapore làm giá, khuếch trương thương hiệu. Nào là các bệnh viện trong nước hoàn toàn có thể mổ được, thậm chí là mổ rất hiệu quả, chi phí đương nhiên là… cực thấp. Con số 200 triệu đồng “bao trọn gói” đã được đưa ra như một cán cân so sánh…
Trước tình trạng “nhiễu” thông tin ấy, Ban Kỷ luật VFF sau khi ra án kỷ luật vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Ông Trưởng ban Nguyễn Hải Hường, người ký “giấy phạt” Quế Ngọc Hải, trong một lần hiếm hoi chịu xuất hiện đã nói thế này: “Các bên tự thương thảo với nhau đi, không phải chuyện gì cũng đổ lên đầu ông kỷ luật…”.
Đâu là điểm dừng?
Mấu chốt của mọi tranh cãi nằm ở một điều khoản trong phán quyết của Ban Kỷ luật VFF: Yêu cầu Ngọc Hải thanh toán toàn bộ chi phí điều trị cho Anh Khoa.
Một điều khoản đưa vào trong “hồ sơ án”, “bút sa gà chết” nhưng lại mơ hồ, khi nó không hề chỉ ra được Ngọc Hải có trách nhiệm thanh toán những hạng mục nào, thời hạn bao lâu và cách thức ra sao.
Chỉ riêng cái chữ “toàn bộ” ấy đã bao hàm rất nhiều tình huống có thể phát sinh. Nhiều hệ lụy và nguy cơ, ai cũng nhìn thấy và dù không hề mong muốn những điều này nhưng Thể thao 24h xin được đặt ra những giả thiết sau:
1. Nếu chấn thương của Anh Khoa phức tạp hơn tiên liệu, không phải chỉ tái khám 1-2 hoặc 3 lần mà nhiều hơn thế, hoặc phải phẫu thuật lại, chi phí sẽ đội lên bao nhiêu?
2. Nếu sau đây một thời gian, Anh Khoa và SHB.Đà Nẵng không cảm thấy hài lòng với chất lượng phẫu thuật của bác sĩ người Singapore, họ muốn chuyển sang Mỹ xử lý lại từ đầu, vấn đề tiền bạc sẽ tính thế nào?
3. Nếu từ bây giờ, SHB.Đà Nẵng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến cầu thủ của mình, nghĩa là cho Anh Khoa hưởng chế độ lưu trú cao nhất tại bệnh viện Gleneagles Parkway trong mỗi lần tái khám, không chấp nhận thuê nhà trọ với giá chỉ 100 đô-la Singapore/1 ngày như trước, ai sẽ chịu khoản dôi dư ấy?
4. Nếu trong quá trình hồi phục, chẳng may Anh Khoa gặp rắc rối với cái đầu gối của mình, ví dụ đơn giản nhất như ngã xe, ngã cầu thang… dẫn đến chi phí điều trị tăng vọt, Ngọc Hải có phải chịu phần phụ trội này không?
5. Nếu điều rủi ro nhất xảy ra, Anh Khoa không thể chơi bóng nữa nhưng SHB.Đà Nẵng vẫn kiên quyết duy trì điều trị bằng được mới thôi. Ngọc Hải sẽ phải theo đền tới bao giờ?
Tạm mường tượng ra như vậy để thấy rằng phán quyết từ Ban Kỷ luật VFF còn nhiều lỗ hổng nên tất yếu, nó đẩy các bên liên quan vào việc tranh cãi.
Ví dụ, nhìn vào giả thiết số 1 hoặc 2, việc chữa trị cho Anh Khoa chắc chắn sẽ tiêu tốn trên 1 tỷ, thậm chí 2 tỷ đồng và hơn nữa. Khi đó, Ngọc Hải và SLNA liệu có đủ khả năng thực hiện án phạt không, hay họ buộc phải khởi kiện VFF để cứu mình? Hoặc giả thiết số 5, Ngọc Hải chẳng khác gì người gây án dân sự, bị xử bồi thường thương tích cho nạn nhân vô thời hạn, trong khi anh chỉ là cầu thủ phạm lỗi trên sân bóng.
Đúng là mọi chuyện đã bị đẩy đi quá xa, sau án phạt “có một không hai” trong lịch sử BĐVN.