Chuyên gia luật nói gì về bản “báo giá quảng cáo” của Tiến Dũng?

thứ sáu 2-2-2018 1:43:28 +07:00 0 bình luận
Việc Bùi Tiến Dũng tham gia hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm cả dưới hình thức khai thác hình ảnh cầu thủ này vào các mục đích quảng cáo hoặc tương tự, sẽ phải có sự trao đổi, thống nhất với CLB chủ quản.

Việc thủ môn Bùi Tiến Dũng tham gia hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm, dịch vụ, bao gồm cả dưới hình thức khai thác hình ảnh của cầu thủ này vào các mục đích quảng cáo hoặc tương tự, sẽ phải có sự trao đổi, thống nhất với CLB chủ quản FLC Thanh Hóa.

>>> FLC Thanh Hóa tuýt còi nếu thủ môn Tiến Dũng tự đi show

>>> Người đàn ông đứng sau thành công của thủ môn Tiến Dũng đã lộ diện

Từ ngày (31/1), bảng “báo giá quảng cáo” của thủ môn Tiến Dũng được công ty có tên Orion Football Total (OFT) đứng ra bảo trợ được đề cập rất nhiều trong dư luận. Không chỉ vì số tiền cho mỗi hạng mục hoạt động trong bảng báo giá, mà tính pháp lý của văn bản này cũng được đưa ra mổ xẻ, liệu có sự xung đột giữa CLB, cầu thủ và bên thứ 3 hay không?

Sau thành công ở VCK U23 châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng là cầu thủ nhận được rất nhiều sự chú ý và là tâm điểm cho việc xây dựng một thương hiệu mới. Hình ảnh: Anh Khoa.
Sau thành công ở VCK U23 châu Á 2018, thủ môn Bùi Tiến Dũng là cầu thủ nhận được rất nhiều sự chú ý và là tâm điểm cho việc xây dựng một thương hiệu mới. Ảnh: Anh Khoa.

Bùi Tiến Dũng và OFT có vi phạm hợp đồng với FLC Thanh Hóa?

Về vấn đề này, khi hình ảnh của một người nổi tiếng được sử dụng với mục đích tạo sự lan truyền, quảng bá mạnh cho các dịch vụ, sản phẩm nhằm mục đích thương mại sẽ phải có thù lao trả cho người đó trừ trường hợp các bên liên quan có thỏa thuận khác. Trong trường hợp Tiến Dũng, thủ môn này đang có hợp đồng lao động với CLB FLC Thanh Hóa và rất có thể bản hợp đồng sẽ quy định những điều khoản liên quan đến việc sử dụng hình ảnh của cầu thủ vào các mục đích thương mại, quảng cáo.

Trong thông cáo báo chí FLC Thanh Hóa đăng tải sáng 1/2, CLB xứ Thanh nhấn mạnh: “FLC Thanh Hóa với tư cách là cơ quan chủ quản của thủ môn Bùi Tiến Dũng, xin khẳng định một cách chính thức: Mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của các cầu thủ FLC Thanh Hóa – trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng – đều do câu lạc bộ quản lý. Cầu thủ FLC Thanh Hóa chỉ được quảng cáo cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của CLB”.

Được biết, CLB FLC Thanh Hóa dựa trên bản hợp đồng lao động chuyên nghiệp giữa CLB và thủ môn Bùi Tiến Dũng để đưa ra lời khẳng định trên. Sau khi Tiến Dũng trở về từ VCK U23 châu Á 2018, anh tiếp tục là cái tên “hot”, facebook cá nhân của anh đã có hơn 2,6 triệu người follow và mức cát-xê dành cho Dũng ở mỗi sự kiện đã có thể tương đương với một số ngôi sao ca nhạc có tiếng như Noo Phước Thịnh hay Đông Nhi.

Hình ảnh của Tiến Dũng vẫn nằm dưới sự quản lý của CLB chủ quản FLC Thanh Hóa.
Hình ảnh của Tiến Dũng vẫn nằm dưới sự quản lý của CLB chủ quản FLC Thanh Hóa.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung - Luật sư hoạt động trong lĩnh vực thể thao cho biết: “Theo những thông tin do phía OFT đưa ra thì có thể hiểu công ty này đã có những thỏa thuận với Bùi Tiến Dũng về việc sử dụng hình ảnh hay sự hiện diện của cầu thủ này nhằm khai thác, quảng bá cho các thương hiệu và hình ảnh với mục đích thương mại”.

“Đăng một status trên facebook nhằm quảng cáo hay xuất hiện ở một sự kiện mà ở đó có hình ảnh Bùi Tiến Dũng đi kèm với những dịch vụ, sản phẩm cần quảng bá và lan rộng ra thì đều là mục đích thương mại. Nếu như bản hợp đồng của Tiến Dũng với CLB FLC Thanh Hóa có quy định rằng trường hợp cầu thủ tham gia ký kết vào các bản hợp đồng với mục đích quảng bá, quảng cáo cho các thương hiệu, sản phẩm, hay dịch vụ phải có sự đồng thuận của CLB thì Tiến Dũng phải xin phép CLB trước khi thực hiện dự định”.

“Bản hợp đồng lao động của cầu thủ và CLB được ký kết dựa trên sự tự nguyện của hai bên. Nếu cầu thủ đã có cam kết với CLB, thì phải tôn trọng. Trường hợp cầu thủ tự đi thương thảo và ký kết các bản hợp đồng quảng cáo thương mại, bỏ qua các ràng buộc nghĩa vụ như vậy thì tức là có vi phạm điều khoản ký kết với CLB”.

Mọi vấn đề về sử dụng hình ảnh của Bùi Tiến Dũng nhằm mục đích thương mại đều phải thông qua CLB FLC Thanh Hóa và có sự đồng thuận bằng văn bản. Hình ảnh: Anh Khoa.
Mọi vấn đề về sử dụng hình ảnh của Bùi Tiến Dũng nhằm mục đích thương mại đều phải thông qua CLB FLC Thanh Hóa và có sự đồng thuận bằng văn bản. Ảnh: Anh Khoa.

Giải pháp nào cho sự xung đột giữa cầu thủ - CLB – bên thứ 3?

Vị luật sư này cũng chỉ ra thêm rằng, cầu thủ là một nghề đặc biệt, chính vì vậy, sự xuất hiện của các điều khoản liên quan đến khai thác hình ảnh được cài vào là điều không khó hiểu.

“Mục đích của bản hợp đồng lao động đơn thuần là về vấn đề lao động. Người đi làm bình thường như nhân viên công sở hầu như không mấy khi bị ràng buộc bởi các quy định về sử dụng hình ảnh cho các hoạt động quảng cáo ngoài hoạt động của nơi họ làm việc, miễn là họ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh, xung đột lợi ích của công ty. Cầu thủ thì khác vì họ tham gia vào hoạt động bóng đá ở CLB, hình ảnh của họ trong các hoạt động ở CLB là một tài sản để CLB từ đó khai thác bản quyền truyền hình, thu hút tài trợ, quảng cáo”, bà Dung phân tích. 

“Hình ảnh của họ trong các hoạt động tại các CLB hay đội tuyển quốc gia đã được sử dụng để khai thác thương mại đối với các nhà tài trợ của đội bóng theo quy định của đội bóng và các giải đấu mà họ tham gia. Việc các CLB đưa vào trong các bản hợp đồng các quy định cầu thủ khi có bản hợp đồng cá nhân phải có sự đồng thuận của CLB là điều hợp lý để tránh xung đột giữa việc khai thác thương mại với tư cách cá nhân với những khai thác của CLB khi cầu thủ đã tham gia vào CLB”.

Câu chuyện của Bùi Tiến Dũng - OTF và FLC Thanh Hóa một lần nữa đánh vào công việc người đại diện cầu thủ ở Việt Nam.
Câu chuyện của Bùi Tiến Dũng - OTF và FLC Thanh Hóa một lần nữa đánh vào công việc người đại diện cầu thủ ở Việt Nam.

Như vậy, văn bản “báo giá quảng cáo” bị phát tán từ ngày hôm qua chưa phải là căn cứ khẳng định Bùi Tiến Dũng đã tham gia các hoạt động quảng cáo ngoài sự chấp thuận của CLB. Tuy nhiên, nếu Tiến Dũng hay OFT đã ký kết hay chấp thuận tham gia các hợp đồng quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cầu thủ này mà chưa thông qua CLB thì cầu thủ này được coi là vi phạm điều khoản đã cam kết trong hợp đồng lao động với CLB. Giải pháp cho vấn đề này là các bên liên quan nên ngồi lại với nhau để đi đến một thỏa thuận chung, đảm bảo quyền lợi cho cầu thủ, CLB và cả bên có khả năng hỗ trợ cầu thủ khai thác thương mại hình ảnh một cách hiệu quả.

Ở một góc độ khác, nếu OFT đứng ra trở thành một cơ quan đại diện cho Tiến Dũng thì họ có quyền thay mặt hoặc đồng hành cùng Tiến Dũng trong việc thương thảo các bản hợp đồng mới với CLB, đề xuất các hợp đồng quảng cáo để nhận được sự cho phép từ phía CLB. Hiểu nôm na rằng, Tiến Dũng sẽ có một người đại diện như Cristiano Ronaldo có Jorge Mendes. Sau đó, OFT và Tiến Dũng sẽ tự thỏa thuận với CLB FLC Thanh Hóa để phân chia quyền lợi từ hợp đồng quảng cáo.

Sau cùng, luật sư Dung đưa ra lời khuyên cho các cầu thủ bóng đá nói riêng và các VĐV thể thao nói chung: “Tự bản thân họ nên đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi chấp thuận ký kết. Nếu đọc mà hiểu chưa rõ thì nên tham vấn ý kiến của chuyên gia pháp lý hay luật sư. Việc tham gia vào các bản hợp đồng khác nhau mà không hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ ở mỗi bản hợp đồng sẽ dẫn đến những tranh chấp có thể phát sinh và ảnh hưởng đến quyền lợi của cầu thủ cũng như các bên trong hợp đồng”.

Mối quan hệ giữa cầu thủ và đội bóng trên thế giới luôn có chất xúc tác trung gian là người đại diện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này vẫn chưa có trường hợp nào thành công một cách thật sự. Hình ảnh: 101 Great Goals.
Mối quan hệ giữa cầu thủ và đội bóng trên thế giới luôn có chất xúc tác trung gian là người đại diện. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc này vẫn chưa có trường hợp nào thành công một cách thật sự. Người đại diện phải được thông qua VFF và FIFA. Ảnh: 101 Great Goals.

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, Điều 32 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật”.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm