Trước đây, sân Vinh luôn được xem như thánh địa, nơi SLNA có khi nguyên cả mùa giải không thua. Trận nào, sân cũng đầy ắp khán giả và nổi tiếng bởi “đi dễ, về khó”. Thế nhưng cùng với thời gian, đặc biệt là giai đoạn chuyển giao với nhiều sự cố, niềm tin mất dần và sân bóng ngày càng ít khán giả.
Mùa giải này, ngoại trừ trận đấu với HA.GL thì tất cả các trận còn lại sân Vinh đều thưa thớt. Có thể, đó là lý do khi SLNA thua tới 3 trận trên sân nhà chỉ sau lượt đi, chưa kể những trận hoà bạc nhược như với XSKT.Cần Thơ.
Người Nghệ sinh sống tại quê hương đôi khi có những nguyên tắc, yêu ghét rõ ràng và thông thường, độ nhiệt đi kèm với thành tích của đội bóng. Nhưng với lực lượng CĐV xứ Nghệ xa quê thì khác. Họ đến với bóng đá trước tiên bằng niềm tự hào, sau nữa là kết nối để sẻ chia tâm tình của những người con xa quê.
Đó là khác biệt để Hội CĐV SLNA tại phía Nam hay phía Bắc thường “cháy hết mình” mà không đòi hỏi nhiều từ đội bóng. Hơn một vạn khán giả đội mưa đến Gò Đầu tiếp lửa cho thầy trò Quang Trường. Bóng đá tất nhiên phải có thắng thua nhưng với những người Nghệ xa quê, đó còn là những thứ khác, thiêng liêng và ý nghĩa hơn. Một cộng đồng lớn người Nghệ đang được hình thành thông qua sợi dây bóng đá, ở đó với tình yêu và nhiệt huyết với đội bóng quê hương, người ta sẻ chia, gần gũi và thắt chặt những mối liên hệ không có sự phân biệt thân phận, chỗ đứng.
“Bước ra sân Gò Đậu, một cảm giác tự tin đến lạ thường. Đá với đội mạnh, đá ở sân người ta nhưng chúng tôi không hề sợ sệt. Nhìn lên khán đài đầy ắp khán giả mặc áo vàng, cảm giác đã rưng rưng rồi. Tôi nói về khán giả với các cầu thủ và tất cả cũng đều suy nghĩ như tôi, rằng phải chiến hết mình, vì đó là tài sản thiêng liêng mà ở Việt Nam, không phải đội bóng nào cũng có được đâu…”. HLV Ngô Quang Trường kể chuyện.
Lâu rồi, người ta đã không còn nhắc nhiều đến “chảo lửa thành Vinh”, bởi điểm nhấn với thầy trò Quang Trường lại là nhưng sân bóng khác, nơi họ cảm nhận được nhiều hơn sự nhiệt thành, tình yêu của khán giả.
LÂM VŨ