Vũ Văn Thanh gặp chấn thương, phải trải qua phẫu thuật ở Hàn Quốc. Hậu vệ này đã trở lại trong 3 tuần vừa qua. Anh ra sân thi đấu và cũng góp công vào chuỗi trận ấn tượng của HAGL. Tuy nhiên, ở vòng 11 V.League 2019 gặp SHB Đà Nẵng, Vũ Văn Thanh không thể góp mặt.
Trước đó, ở buổi tập làm quen sân Hòa Xuân, hậu vệ này đã phải tập riêng. Theo chia sẻ của HLV Lee Tae hoon, Văn Thanh vẫn đang bị vấn đề về thể lực. “Thật thiếu may mắn Văn Thanh chấn thương trước ngày thi đấu một ngày. Cậu ấy vừa trở lại sau một thời gian điều trị chấn thương nặng nên chưa có thể lực tốt nhất.
Chúng tôi di chuyển xuống đây bằng xe bus khiến cho cơ bắp của cầu thủ mệt mỏi, nên Văn Thanh không thể thi đấu trận này. Chấn thương của Thanh cũng nhẹ, chỉ bị căng cơ”, nhà cầm quân người Hàn Quốc nói.
Văn Thanh chỉ bị căng cơ. Đây là loại chấn thương khá phổ biến khi chơi thể thao. Đối với loại chấn thương này, tuyệt đối không được chườm nóng hoặc xoa bóp (bôi dầu, rượu thuốc, mật gấu...) hay kéo, nắn ngay sau khi bị chấn thương và trong 2 ngày đầu.
Bởi vì, nếu chườm nóng sẽ khiến máu chảy nhiều hơn, xoa bóp khiến các dây chằng bị xơ chai, mất đi độ đàn hồi, kéo nắn làm các tổn thương bị nặng thêm, thậm chí có thể gây đứt cơ hoàn toàn và bầm dập mô xung quanh. Hậu quả là làm tổn thương viêm tăng, vết thương lâu lành và dễ chấn thương trở lại khi có những cử động hơi mạnh.
Trường hợp gặp căng cơ, thông thường, trải qua 4 thao tác chính để chữa trị. Đầu tiên, cầu thủ đó phải nghỉ ngơi. Việc dừng thi đấu ngay sau khi gặp chấn thương là hết sức quan trọng. Nếu không, tiếp tục vận động sẽ khiến vết thương tụ máu nhiều, mất thêm nhiều thời gian hồi phục.
Sau đó trải qua công đoạn chườm đá để kiểm soát vùng bị thương. Chườm đá sẽ ngăn ngừa các biến chứng, không gây tụ máu hay chảy máu, giảm sưng tấy và cũng là cách đơn giản để giảm đau.
Nên duy trì chườm đá từ 1-3 ngày liên tiếp nhưng chỉ chườm khoảng 15 phút sau mỗi giờ, không nên chườm một lần quá lâu hoặc chườm đá trực tiếp lên da vì da sẽ bị bỏng. Lạm dụng chườm lạnh cũng có thể khiến vết thương thêm trầm trọng.
Bước tiếp theo là băng ép vết thương để giúp giảm sưng, ngăn ngừa quá trình viêm. Dùng băng co giãn cuốn ép dưới vùng tổn thương, đầu tiên phải quấn chặt, sau đó lỏng dần. Cuối cùng là kê cao vùng tổn thương để làm giảm sưng và đau bằng cách không để máu dồn quá nhiều vào vùng tổn thương. Nếu sau 48 giờ mà chấn thương không thuyên giảm, hay đặc biệt là tình hình đang trở nên tệ hơn thì bạn cần đến gặp bác sỹ ngay.
Riêng với trường hợp của Văn Thanh, quá trình di chuyển bằng xe bus kéo dài trong hơn 10 giờ khiến anh không được nghỉ ngơi, bị xóc nên khó có thể trạng thi đấu tốt nhất.