Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung năm 2015 đã nêu rõ: “Kiểm soát chặt chẽ khán giả khi vào SVĐ, không cho mang bất cứ vật gì có thể sử dụng làm vũ khí (chai thuỷ tinh, chai nhựa, đồ uống có cồn, gạch đá, gậy, mũ bảo hiểm, pháo nổ, pháo sáng, ...);” tại điều 2D, khoản 50 quy định về đảm bảo an toàn, an ninh đối với Ban tổ chức trận đấu.
Với quy định này, rất khó có thể khẳng định việc làm của nhóm CĐV HAGL trên sân Lạch Tray có vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp hay không. Tuy nhiên, căn cứ theo Thông tư liên tịch số 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC và Nghị định 59/2006/NĐ-CP thì các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo khác đều bị xử lý như đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ.
Do đó, nhóm CĐV Hải Phòng cho rằng BTC trận đấu đã không có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành động đốt pháo bông của những CĐV HAGL có mặt trên sân. Đồng thời, nhóm CĐV đội chủ nhà cũng cho rằng hành động trên đã vi phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, việc đốt các loại pháo hoa là điều không bị cấm bởi chỉ thị số 406-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08 tháng 8 năm 1994 nói rõ: “Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)”.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có văn bản chính thức nào quy định rõ ràng các loại pháo nào là pháo hoa. Vì vậy, rất khó để khẳng định hành động trên sân Lạch Tray chiều 10/4 có vi phạm hay không.
Trao đổi nhanh về vấn đề này, trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc cho biết hiện tại ông đang chờ báo cáo từ Ban tổ chức cũng như giám sát trận đấu nên chưa thể nói gì. Vị trưởng giải này cũng cho biết sau khi tổng hợp báo cáo đầy đủ, ban tổ chức giải sẽ tiến hành làm làm việc để đưa ra kết luận về vụ việc.