Cầu thủ Việt Nam xét về trình độ được đánh giá không thua kém các đồng nghiệp từ Thái Lan hay Malaysia. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân về tiền lương thì cầu thủ Việt lại không phải đối thủ.
Theo Thai Goals, những cầu thủ nước ngoài giỏi nhất đến thi đấu tại Thái Lan như tiền đạo Diogo (Buriram United) có thể kiếm được nhiều hơn 750.000 USD/năm (~17 tỷ đồng). Con số đó thậm chí chưa bao gồm tiền thưởng. Những cầu thủ nước ngoài khác hoàn toàn có thể mong đợi một mức lương khoảng 10.000 đến 30.000 USD/tháng.
Tiền đạo Mark Bridge, người từng vô địch AFC Champions League 2014 cùng Western Sydney Wanderers đã tìm ra mức lương đủ hấp dẫn để chuyển địa điểm thi đấu từ Australia sang Chiangrai United của Thái Lan. Một ngôi sao trong quá khứ tại Ngoại hạng Anh là Leroy Lita cũng gia nhập Sisaket ở mùa giải 2017 vì lý do tương tự.
Những cầu thủ nội giỏi nhất của bóng đá Thái Lan như tiền đạo Teerasil Dangda của Muangthong United kiếm được 700.000 baht/tháng (~400 triệu đồng). Các cầu thủ nội hàng đầu khác như thủ môn Kawin Thamsatchanan kiếm được 250.000 baht/tháng (~150 triệu đồng). Con số này với các cầu thủ trẻ thấp hơn nhiều nhưng tối thiểu họ cũng được trả 10.000 baht/tháng (~6 triệu đồng).
Tờ này cũng chỉ ra rằng người hâm mộ Thái Lan vẫn chưa được gọi là quá nhiệt thành với bóng đá trong nước vì họ thích xem Liverpool hay Manchester United hơn nhiều. Tuy nhiên, một phần tiền từ bản quyền truyền hình, bán vé và vật phẩm, cùng với đó là khoản lớn tiền từ các nhà tài trợ giúp các CLB Thái Lan có thể chi trả được lương cao như vậy cho các cầu thủ.
Vấn đề tiền lương cũng đã được đề cập qua những người trong cuộc. Huyền thoại bóng đá Therdsak Chaiman và hiện tại là HLV trưởng Chonburi FC cũng từng chia sẻ trên tờ Four Four Two về chi tiết này năm 2016. Ông khẳng định các CLB Thái Lan hiện tại có mức đãi ngộ rất tốt.
“Một cầu thủ xuất sắc như tiền đạo Khairul Amri hay thủ môn Hassan Sunny của Singapore có thể được trả lương cao như những cầu thủ đến từ J-League hoặc K-League. Con số này rơi vào khoảng 9.000 USD (~180 triệu đồng)”, Chaiman cho biết.
Ông nói thêm: “Một cầu thủ thuộc đội tuyển quốc gia Thái Lan vào thời tôi được trả cao lắm là từ 30.000 đến 40.000 baht/tháng (~20 triệu đồng). Đến hiện tại, một cầu thủ thi đấu ở Thai League có thể dễ dàng kiếm được 3.000 USD (~60 triệu đồng). Trong khi đó, những cầu thủ thuộc đội tuyển quốc gia có thể được trả tới 11000 USD (220 triệu đồng)”.
Trong khi đó, ở Malaysia, các CLB trả lương được cho là rất cao đối với các cầu thủ. Theo tờ New Straits Times, người hâm mộ Malaysia lại tỏ ra không hài lòng khi các cầu thủ kiếm được rất nhiều tiền trong khi đó thành tích ở các cấp độ đội tuyển lại không tương xứng.
Thu nhập của các cầu thủ nước ngoài tại Malaysia trung bình khoảng 36.000 USD/tháng (~720 triệu đồng). Các cầu thủ nội có tầm quan trọng sẽ có khoảng lương khoảng 20.000 USD (~400 triệu đồng). Cầu thủ trẻ thì nhận ít hơn 10.000 USD.
Năm 2015, tờ này từng chỉ ra Top những cầu thủ nhận lương cao nhất tại Malaysia Super League. Trong đó, tiền đạo người Argentina Patricio Julian Rodriguez (Johor Darul Ta’zim) được trả 250.000 Ringgit/tháng (~1,4 tỷ đồng). Xếp sau là Dickson Nwakaeman (Pahang) nhận 160.000 Ringgit/tháng (~900 triệu đồng).
Số liệu theo Tabloid Bola của Indonesia, con số tiền lương trên vẫn chưa phải kỷ lục vì năm 2017, cầu thủ được trả lương cao nhất Malaysia Super League là Natxo Insa (Johor Darul Ta’zim) nhận được 320.000 Ringgit/tháng (~1,8 tỷ đồng).
Những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Malaysia không nhận được những con số lớn như vậy. Tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung thu nhập của quốc gia, họ vẫn là những người giàu có với tiền lương hậu hĩnh. Tiền vệ Safiq Rahim vẫn duy trì nhận số tiền lương 70.000 Ringgit/tháng (~380 triệu đồng). Shukor Adan (Felda United) cũng nhận được số tiền tương tự.
Tuy nhiên, New Straits Times cũng nêu quan điểm rằng việc được trả lương và sống sung túc tại quê hương có thể là nguyên nhân khiến các cầu thủ Malaysia thiếu tham vọng đi ra nước ngoài thi đấu. Điều này từng được nhà báo Scott McIntyre chỉ ra một bài phân tích rất dài về những lý do khiến các cầu thủ Đông Nam Á không muốn vươn ra biển lớn. Ngoài những yếu tố về văn hóa, ngôn ngữ, tiền lương và vị thế khi thi đấu tại quốc gia được liệt kê là nguyên nhân chính.
Xét với Việt Nam, lương cầu thủ Việt Nam thi đấu tại V.League thường rơi vào khoảng 20 đến 40 triệu đồng. Còn với ngoại binh, những đội bóng có tiềm lực tài chính được cho là mạnh như FLC Thanh Hóa cũng chỉ chịu trả cao nhất 200 triệu đồng/tháng.
Chủ tịch Nguyễn Giang Đông của Sài Gòn FC từng khẳng định các CLB Việt Nam hiện tại gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ ngoại binh chất lượng do bất đồng về tiền lương. Tiềm lực tài chính của CLB có hạn nên rất khó tranh đấu với các CLB của Thái Lan hay một số nước Đông Nam Á khác và cả Trung Quốc. Ông khẳng định nhiều khi chọn được cầu thủ tốt mà vẫn không thể sở hữu do họ đòi tiền lương vượt quá khả năng chi trả của CLB.