Không phải, đó là những từ ngữ được đặt trên những tờ báo lớn để nói về kỳ thi tuyển sinh năm nay. Hôm 20/08 sẽ được đánh dấu là một trong những ngày đáng nhớ của ngành giáo dục khi bộc lộ những bất cập “chết người” trong công tác tuyển sinh khiến hàng triệu thí sinh và phụ huynh rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng loạn. Tất nhiên từ “chết người” chỉ là một cách nói song lại phù hợp với những lý giải của Bộ trưởng Bộ giáo dục khi nói về những đổi mới: “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin vào chiến thắng, sẵn sàng trả giá. Tôi coi thực hiện để án đổi mới giáo dục lần này là một trận đánh lớn”.
Còn nhớ 1 năm trước, cũng dùng từ “trận đánh lớn” này, Bộ trưởng Bộ giáo dục cũng dùng từ “trận đánh lớn để” nói về công cuộc đổi mới dạy và học ở cấp bậc phổ thông. Nhà báo Đoàn Công Lê Huy – anh Chánh Văn một thời của báo Hoa Học Trò thân thiết với thế hệ 7x nói rằng: “Hãy từ chối ngôn ngữ bạo lực để lòng người an ổn và xã hội lắng dịu”.
Một người bạn tôi nhắc: Ngày 20/08/2012, bầu Kiên bị bắt, rúng động thị trường chứng khoán tiền tệ. 3 năm sau, ngày 20/8/2015 – ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển Đại học đợt 1, rúng động cả triệu gia đình.
Trong câu chuyện giáo dục và thể thao, ít nhiều cũng liên quan đến nhau. Có người nói vui, giờ mà Ủy ban Olympic quốc tế đưa môn “rút hồ sơ ra – nhét hồ sơ vào” chương trình thi đấu Olympic, chắc chắn Việt Nam có HCV.
Chúng ta muốn ngăn ngừa xu hướng bạo lực đôi khi từ những chuyện rất nhỏ, thậm chí những lời nói tưởng chừng bình thường.
Mới đây, BTC giải V.League đã tiếp tục phải ra văn bản yêu cầu các CLB thi đấu những vòng cuối trung thực, kiên quyết tuyên chiến với bạo lực. Đồng thời ra một án phạt rất nặng với Văn Nam – cầu thủ có hành vi bạo lực trong trận Hải Phòng – T.Quảng Ninh.
Làm sao ngăn cản bạo lực sân cỏ? Luôn là những câu hỏi không dễ trả lời bởi người ta sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
Một người bạn đang đưa đội U.13 bóng đá học đường Yamaha đi thi đấu tại Nhật nhắn tin kể rằng: “Ngăn chặn bạo lực bóng đá không phải bằng ngôn ngữ bóng đá mà phải bằng ngôn ngữ của văn hóa, của lối sống. Người Nhật làm quá tốt điều này…”.
Giáo dục, xã hội hay bóng đá cũng vậy, hãy bỏ tư duy bạo lực bắt đầu từ việc bỏ ngôn ngữ bạo lực.
Những gì ta đang có, hoặc phải đối mặt là cái giá của cả một hành trình.
SONG AN