Vấn đề là Hà Nội có bao nhiêu biệt thự như thế? Nên nhớ, giá một biệt thự ở phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội) có lúc lên tới 800 triệu đồng/m2, tức là hàng trăm tỷ đồng/căn. Ở nhà đắt tiền, chỗ đắc địa liệu đã an toàn? Câu trả lời là không.
Nói chuyện nhà sập từ nóc, tôi cứ liên hệ tới câu nói rất đáng chú ý của HLV Alfred Riedl: “BĐVN xây nhà từ nóc”. Người Việt cũng có câu “nhà dột từ nóc”. Thế nên, chuyện “nhà và nóc” rất là liên quan. Thậm chí, nó có thể biến ngôi nhà trăm tỷ đổ sập chỉ vì cái nóc bị dột.
Nếu BĐVN là một ngôi nhà, thì liệu người ta định giá nó thế nào?
Nó không phải là một khu chung cư sang trọng. Tất nhiên!
Nó cũng không phải là căn nhà tồi tàn, lều tranh vách đất bởi dù gì thì mỗi năm, người ta đã đổ cả trăm tỷ đồng vào bóng đá bằng các hợp đồng tài trợ, bằng sự xuất hiện của những ông bầu ngàn tỷ.
Vậy có thể là một căn… biệt thự cổ? Điều này hoàn toàn có thể lý giải nếu nhìn vào bề dày hàng trăm năm của bóng đá Việt với đội bóng nam đầu tiên được thành lập năm 1906, đội bóng nữ Cái Vồn lần đầu ra mắt năm 1930. Ở tầm cao hơn là Cúp Merdeka, là chức Vô địch của đội bóng nam VNCH và là câu chuyện của những danh thủ Việt được vinh danh là “lưỡng thủ vạn năng”, ngôi sao châu Á tới mức có những câu chuyện mà nhiều chuyên gia bóng đá bây giờ cứ nhắc đi nhắc lại mãi: Câu chuyện người Nhật tự ví họ chỉ như chiếc giày nhỏ so với Việt Nam.
Đó là câu chuyện nửa thế kỷ trước. Còn bây giờ, với nền tảng và những gì chúng ta đang chứng kiến, bóng đá Việt như một căn biệt thự cổ, có vẻ đắt giá nhưng sống trong đó có rất nhiều vấn đề bất cập hiện tại.
Một giải đấu chán nản với bức tranh u buồn, nó là căn biệt thự bóng đá Việt như đang mục ra, ruỗng ra sau những cơn mưa mà người ta nói “dột từ nóc”.
Đôi khi để đổi thay và đảm bảo an toàn cho tất cả, người ta cũng cần phải có một giải pháp dứt khoát và có lộ trình: Đập đi và làm lại hoàn toàn.
Bởi lẽ với tình trạng dột và nát thế này, có ngày căn biệt thự ấy sẽ đổ sập xuống trở thành một thảm họa của bóng đá nước nhà.
Song An