Có vẻ như bị tác động ít nhiều bởi sự dài dòng lê thê của những bài diễn văn khai mạc ở trận tuyển Việt Nam- Manchester City nên vừa rồi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – một người rất yêu bóng đá- cũng đã yêu cầu Bộ giáo dục phải tổ chức lễ khai giảng sao cho đúng thực chất là của các em, mời quan chức phát biểu ít thôi, đừng bắt trẻ em đứng nắng và cố gắng gọn nhẹ, hiệu quả.
Đó được coi như nỗ lực để phần nào chống căn bệnh hình thức. Thế nhưng, ngay cả cái lễ khai giảng cũng đang đại diện cho căn bệnh hình thức ấy: Gọi là khai giảng nhưng thực chất là các em đã học từ trước đó cả tháng. Nghĩa là chả có gì mà “khai” cả. Một cách vô tình, chúng ta đang truyền cho chính lứa con cháu của mình cái gọi là không thực chất, bệnh hình thức để rồi khi chúng lớn lên trong tế bào đã có ADN của bệnh hình thức rồi, thì chữa sao đây?
Cái bệnh hình thức, chẳng nói đâu xa, là chuyện dễ thấy của bóng đá. Hỏi chúng ta đã hài lòng về V.League chưa? Câu trả lời là “chưa”. Ấy thế sao vẫn cứ thành công tốt đẹp? Vẫn cứ hân hoan cuối mùa…
Có người nói vấn đề của BĐVN bây giờ rất đơn giản: Không cần thay quan chức VFF, không cần phát hiện tiêu cực, không cần cảnh cáo các đội bóng, chỉ cần thay khán giả là xong.
Nhưng cái khó là nếu đã có thể thay khán giả thì đã…thay rồi.
Bệnh hình thức khiến con người ta dễ dàng hài lòng với những hào nhoáng bề ngoài. Năm ngoái, đội U.19 đá tưng bừng, lãnh đạo chém gió tưng bừng nào là sẽ vô địch SEA Games năm 2017, nào là lên tầm châu lục, “đủ tuổi” lọt vào World Cup. Những lời nói có cánh ấy ru ngủ chính những nhà hoạch định bóng đá.
Không thực chất và đúng bản chất của vấn đề.
Hai đội U.19 thực chất là được nuôi theo kiểu “gà nòi” chứ không phải là sản phẩm của một thứ công nghệ đào tạo bóng đá. Đã có những chuyên gia cảnh báo rằng chúng ta cần phải có 1.000 lò đào tạo như HA.GL, PVF thì may ra mới có một vài chục cầu thủ như Công Phượng.
U.19 VN thua và nhận sự chỉ trích. Không nên bắt các em chịu trách nhiệm hay đòi hỏi những điều quá lớn lao như “dân tộc, quốc gia”, bởi đó chỉ là biểu hiện của căn bệnh sính hình thức. Bóng đá suy cho cùng chỉ là cuộc chơi và nếu có thất bại thì lại là câu chuyện của người lớn.
Chứ không phải ngồi rình rồi tính chuyện tranh công.
Song An