Café 24h: Bóng đá và “khu vực nhạy cảm”

thứ hai 24-8-2015 14:27:29 +07:00 0 bình luận
TP.HCM lại vừa đề xuất câu chuyện nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn. Việc thí điểm sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng…

Nhạy cảm là gì? Xin thưa đó là hoạt động ở những cơ sở kinh doanh  như quán bar, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc gội đầu thư giãn… Bình thường, những nơi này chẳng có gì là nhạy cảm nhưng bởi nó gắn với một dịch vụ, một thứ nghề “xưa như trái đất” – nghề mại dâm.

Đã có lúc người ta đề xuất có hẳn một “phố đèn đỏ” để quản lý loại hình dịch vụ này, vừa đảm bảo các cơ sở nộp thuế đầy đủ, lại tránh được những vấn đề phát sinh. Mại dâm ai cũng biết là hoạt động ngầm, bán công khai ai cũng biết là có nhưng khó được thừa nhận. Câu nói “Đồ Sơn không có mại dâm” được nêu ra như để chỉ một hiện tượng nói vậy nhưng là ngược lại.

Cũng như chuyện lô đề, cờ bạc hay cá độ bóng đá, pháp luật cấm nhưng có hết được không? Hiển nhiên là không. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng nếu đưa hoạt động cá cược bất hợp pháp ra công khai thì thậm chí còn tạo được nguồn thu lớn.

Café 24h: Bóng đá và “khu vực nhạy cảm”

Bóng đá Việt Nam lâu nay vốn đầy những vùng gọi là nhạy cảm. Tất nhiên là chả có “quán bar, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc trá hình” mà ở đây là những mối quan hệ chằng chịt ở mức tình cảm của nhiều đội bóng khiến NHM cảm thấy như bị lừa dối.

“Bây giờ thì không ai dám nói V.League trong sạch”. Lời khẳng định của một HLV lão làng cho thấy môi trường bóng đá Việt cho đến giờ này vẫn còn mang dáng dấp những trận đấu tệ nạn.

Mấy hôm trước, cũng có vài người thương CĐV SLNA lặn lội đi xem đội bóng của mình thi đấu. Ấy thế mà chỉ được vui có 5 phút. “Hoan hô đội bóng tỉnh ta/ Đi làm kinh tế ở xa mới về” cái câu ấy có thể gắn với những con người, những cô gái mà người ta gắn vào “khu nhạy cảm”.

Cũng có người đặt vấn đề nhục hay không nhục khi có một trận thua như thế? Tất nhiên chỉ là cảm giác và đôi khi nhục nhiều rồi thành quen, không thấy nhục nữa. Cầu thủ đá bóng cũng khổ lắm chứ sung sướng gì. Cái khổ, cái sướng đôi khi là một.

Vậy nên có lẽ cũng nên đưa một số trận đấu vào khu vực nhạy cảm cho dễ kiểm soát, cũng là để bệnh tật không có cơ hội lây lan.

Cái xấu được thừa nhận và cho nó một “sợi thừng kiểm soát” còn tốt hơn là không ai thừa nhận nó, cho nó nhởn nhơ khắp V.League.

SONG AN

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm