Bản quyền truyền hình (BQTH) V.League mới chỉ tồn tại ở mức "khái niệm trên giấy" với bóng đá Việt Nam và chưa thể trở thành nguồn thu chính để nuôi bóng đá.
>>> V.League vẫn lên sóng truyền hình khi VPF giải quyết khúc mắc với Next Media
>>> V.League 2018 sắp khởi tranh, tại sao VPF chưa công bố điều lệ giải?
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú chia sẻ: "Vấn đề BQTH mới đang giải quyết ở mức căn bản", tức VPF sẽ quản lý toàn bộ vấn đề này thay vì giao phó toàn bộ cho một công ty thực hiện như nhiệm kỳ trước. Vì vậy, khi nhắc đến quyền lợi cụ thể dành cho các CLB, Chủ tịch VPF chia sẻ vấn đề đó vẫn nằm ở "thì tương lai".
BQTH của V.League từ thời điểm bầu Tú lên nhậm chức vẫn như trước, tức trao đổi theo phương thức "hàng đổi hàng". Đơn vị sản xuất các trận đấu được nhà đài phát sóng trả lại quyền lợi cho VPF bằng cách cho VPF 5 phút quảng cáo trước hiệp 1, 5 phút cuối hiệp 2 và 15 phút giữa hai hiệp.
Trở lại với các CLB ở V.League, HAGL và Hà Nội FC là hai đội bóng đầu tư làm hình ảnh rất tốt cho các cầu thủ. Với Hà Nội FC, họ luôn nằm trong top 3 suốt 8 năm qua.
Nếu V.League có tiền BQTH và Hà Nội FC được phân chia quyền lợi, chắc chắn, họ sẽ là đội vô địch về số tiền thu được trong khoảng thời gian trên. Trong khi đó, GĐĐH Huỳnh Mau thì khẳng định: "Doanh thu chính của HAGL trong những năm qua đến từ hoạt động tài trợ và quảng cáo là chính".
Lấy ví dụ từ mô hình giải VĐQG chuyên nghiệp bậc nhất hiện tại, Premier League, ở đó doanh thu bản quyền truyền hình là "bầu sữa khổng lồ" giúp các CLB Anh ngày càng lớn mạnh, thu hút được nhiều ngôi sao và đương nhiên chất lượng cũng như vị thế giải Ngoại hạng càng được khẳng định vững chắc ở ngôi vị số 1 hành tinh.
Tại đó, 20 CLB tham dự đều nhận được một khoản doanh thu BQTH như nhau từ nguồn thu tiền BQTH bán cho các nhà Đài trong nước cũng như bán ra trên phạm vi toàn cầu.
Chưa hết, nếu CLB được các nhà Đài lựa chọn phát sóng trực tiếp càng nhiều trận trên truyền hình thì họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn.
Đấy là quyền lợi hưởng trực tiếp từ BTC Premier League, ngoài ra, các CLB còn đạt được thỏa thuận sử dụng lại hình ảnh trận đấu của đội nhà, hay hiểu cách khác là đội bóng có quyền phát chậm lại trận đấu của họ sau khi trận trực tiếp kết thúc từ 6-12 tiếng, trên các cơ sở hạ tầng mà CLB sở hữu (website, kênh youtube, mạng xã hội hay thậm chí kênh truyền hình riêng).
Ở đây có thể kể tới Manchester United, đội bóng đang khai thác rất tốt kênh truyền hình trả tiền MUTV từ năm 1998. Ngoài việc phát các trận đấu của MU, video highlights, họ còn được phát trực tiếp hình ảnh cầu thủ từ bãi để xe vào phòng thay đồ trước trận đấu, phỏng vấn HLV hoặc cầu thủ trước và sau trận đấu...
Ngoài ra, MUTV còn nhiều chuyên mục khác như phân tích chiến thuật, trận đấu kinh điển, phỏng vấn các huyền thoại của CLB,… nhưng tựu chung đó là một kênh truyền hình trả tiền, với mức phí tương đối mềm 1,99 USD/tháng với mỗi người dùng.
Giả sử, MUTV thu hút 1 triệu người trả phí để theo dõi, Man Utd sẽ thu được gần 2 triệu USD/tháng và gần 24 triệu USD/năm, đủ để trả lương cho Alexis Sanchez, dư một khoản để trả cho một vài cái tên khác nữa. Đấy là chưa kể các hợp đồng quảng cáo đi kèm.
Đặt câu hỏi các CLB ở V.League có hợp đồng thỏa thuận về BQTH vói BTC giải hay nhà đài không? Phó GĐĐH Nguyễn Quốc Tuấn của Hà Nội FC thẳng thắn: "Không có hợp đồng nào cả". Trưởng đoàn CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh cũng có chung câu trả lời.
Đại diện của Hà Nội FC nói tiếp: "Năm nay anh Tú (chủ tịch VPF-pv) muốn thay đổi một số thứ chứ bình thường như mọi năm có bản quyền gì đâu. Các năm trước, Next Media sẽ làm các trận đấu sau đó đăng lên trang youtube của VPF. Các CLB cứ thế lấy hình ảnh trận đấu về và sử dụng thôi, không có điều khoản nào cả".
Thế nhưng, Phó GĐĐH Quốc Tuấn cũng chia sẻ thêm: "Ai cũng mong muốn có khoản thu từ BQTH nhưng việc gì cũng cần thay đổi từ từ, cải thiện từng bước một. Những năm trước chưa được truyền hình rộng rãi, hiện tại 100% trận đấu được tường thuật trực tiếp. Sau hiệu ứng U23 Việt Nam, các CLB cũng phải chung tay làm cho hình ảnh giải đấu tốt lên khi đó mới bán được BQTH".
Trưởng đoàn Tấn Anh của HAGL đưa ra một góc nhìn khác: "Đúng là chúng tôi chưa thể nghĩ đến việc thu lợi từ BQTH nhưng việc được truyền hình rộng rãi cũng giúp các cầu thủ nhìn lại được hình ảnh của mình, của đồng nghiệp. Họ sẽ thấy được các pha bóng ác ý, những tình huống chơi xấu và tránh không làm như vậy. Điều đó góp phần giúp hình ảnh giải đấu được cải thiện hơn".
Những diễn biến trong vài ngày qua cùng phát biểu của chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho thấy, mục tiêu của VPF vẫn là bán được BQTH. Các CLB vẫn chưa thể có doanh thu từ BQTH, thậm chí họ sẽ phải cùng nỗ lực với VPF để xây dựng một giải đấu có hình ảnh tốt hơn (lòng tin với trọng tài, hạn chế bạo lực sân cỏ,...) và chất lượng chuyên môn cao hơn mới mong thu lợi từ BQTH.