Câu chuyện Bùi Tiến Dũng xin lỗi trên facebook cá nhân sau khi FLC Thanh Hóa để thua 1-2 trước Yangon United đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong ngày cuối cùng của tháng 2/2018.
>>> 1 năm biến động của các thủ môn Việt Nam từ những cú ôm bóng của Minh Long, Tiến Dũng
>>> HLV FLC Thanh Hóa ấn tượng điều gì nhất ở Tiến Dũng trong trận đầu tại AFC Cup?
"Tại sao Tiến Dũng phải xin lỗi?" – Đó là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất. Đó có thể là hệ quả của sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ dành cho Dũng sau hiệu ứng từ VCK U23 châu Á 2018, là việc Tiến Dũng cảm thấy mình có thể làm tốt hơn.
Thế nhưng, nếu cứ sai và đi xin lỗi, một thủ thành trẻ như Tiến Dũng sẽ còn phải xin lỗi bao nhiêu lần? Ai cũng hiểu xin lỗi quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ quả tiêu cực như việc suy giảm niềm tin vào chính cá nhân đó.
Video: Yangon United 2-1 FLC Thanh Hóa (AFC Cup 2018).
Không chỉ Tiến Dũng, CLB FLC Thanh Hóa cũng cần thể hiện vai trò là đơn vị chủ quản của cầu thủ. Việc Tiến Dũng được bắt chính trong 2 trận đấu gần nhất là tín hiệu cho thấy niềm tin từ lãnh đạo và ban huấn luyện đội bóng với chàng thủ môn vừa bước sang tuổi 21. Niềm tin ấy không thể bị lung lay chỉ sau một lỗi lầm thay vào đó là sự bảo vệ, nói với Tiến Dũng tập trung vào chuyên môn, sửa chữa sai lầm, nâng cao trình độ thay vì lên mạng xã hội để xin lỗi.
Năm 2011, một thủ môn trẻ cũng 21 tuổi như Bùi Tiến Dũng cập bến sân Old Trafford. Chàng trai trẻ này đến từ Tây Ban Nha, tên David De Gea. Người khiến Sir Alex Ferguson chấp nhận bỏ ra 17,8 triệu bảng Anh đưa anh về Manchester United từ Atletico Madrid. Số tiền chuyển nhượng kỷ lục với một thủ môn tại xứ sở sương mù thời điểm ấy.
Anh được đưa về để thay thế cho tiền bối Edwin Van Der Sar nhưng năm đầu tiên ở Manchester không phải màu hồng. De Gea có trận thi đấu rất hay nhưng cũng bộc lộ điểm yếu trong bóng sệt, sau đó, các đối thủ phát hiện anh thiếu cả sự tự tin trong không chiến. De Gea sai lầm và gián tiếp khiến Manchester United để tuột chức vô địch Premier League mùa 2011-2012 dù có thời điểm dẫn trước Manchester City tới 8 điểm.
Khi ấy, các đầu báo của Anh quốc liên tục đăng những dòng tít nghi ngờ về quyết định mua người của Sir Alex, nói "ông già gân" không còn tỉnh táo. Sau đó, người hâm mộ thấy De Gea phải cạnh tranh nhiều hơn (với Lindegaard), bị tổn thương lòng tự trọng (đẩy lên ghế dự bị). Tưởng chừng đã có rạn nứt giữa De Gea và Sir Alex nhưng đó chỉ là đòn tâm lý.
Chưa dừng lại ở đó, ông cùng đội ngũ huấn luyện của Man Utd quyết tâm cải thiện sự cân đối về thể hình cho thủ môn người Tây Ban Nha. Thậm chí, mời cả chuyên gia tâm lý nhằm giúp De Gea giải thoát khỏi áp lực, tích cực học tiếng Anh hơn để giao tiếp với đồng đội. Quan trọng, Sir Alex Ferguson vẫn giữ nguyên niềm tin rất lớn vào David.
Một năm sau, De Gea thay đổi chóng mặt và phần còn lại là lịch sử ở Old Trafford. Sau 5 năm, trải qua nhiều thăng trầm, De Gea trở thành biểu tượng mới ở khung gỗ không chỉ của Manchester United mà của cả thế giới, chỉ Manuel Neuer mới là đối trọng của anh.
Đó là cách làm của Sir Alex Ferguson, của Man Utd để giờ chẳng còn lo lắng về vị trí thủ môn nữa.
FLC Thanh Hóa cũng vậy và bản thân Tiến Dũng phải chứng tỏ mình đủ cứng rắn để là số 1 ở nơi đây. "Đã có những nghi ngờ trong mùa đầu tiên nhưng tôi luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân. Áp lực tại một CLB như M.U là điều bình thường và cần phải mạnh mẽ để vượt qua", De Gea từng nói như vậy ở mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Anh thay vì xin lỗi sau những sai lầm.