SHB Đà Nẵng đang trải qua giai đoạn nhiều biến động. Thất bại chuyên môn và với cương vị HLV trưởng, ông Huỳnh Đức đã từ chức. Phải chăng, lỗi nằm ở Huỳnh Đức?
Kỳ 1: Thành công từ chất địa phương
Hai chức vô địch V.League 2009 và 2012 không chỉ là niềm vui của bóng đá Đà Nẵng về chuyên môn mà ở đó, dấu ấn từ bản chất địa phương là niềm tự hào vô bờ bến.
Năm 2008, bóng đá Đà Nẵng đánh dấu bước chuyển mình. Đội bóng được sở Thể dục thể thao TP Đà Nẵng chuyển giao cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Từ đây, đội có tên mới là SHB Đà Nẵng.
Thế nhưng, quyết định đó được xem là “dọn đường” để xây dựng đế chế mới ở SHB Đà Nẵng mang tên triều đại Lê Huỳnh Đức. Còn non kinh nghiệm dẫn dắt nhưng Huỳnh Đức bất ngờ lên ngôi vô địch V.League ở mùa giải thứ 2 cùng đội bóng.
Đặt dấu ấn đậm nét trên hành trình chinh phục ngôi vương của đội nhà song đó là thời điểm mà mọi yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đứng về phía cựu tuyển thủ QG này. Trong những năm đầu đầu tư vào đội bóng, bầu Hiển có những quyết sách mạnh mẽ về tài chính để giúp SHB Đà Nẵng đưa về những ngoại binh chất lượng, điển hình là tiền vệ trung tâm Rogerio. Cầu thủ người Brazil là “gạch nối” cho thành công của đội chủ sân Chi Lăng, lúc bấy giờ.
Thế nhưng, nền tảng cho sự thành công chính là “cây nhà, lá vườn”. Những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của bóng đá Đà Nẵng như Phước Vĩnh, Quốc Anh, Nguyên Sa, Văn Mẹo, Thanh Phúc,... được HLV Huỳnh Đức trao cơ hội và có sự đột phá mạnh mẽ.
Cũng trong thời kỳ đó, bóng đá Việt Nam chưa rơi vào thời kỳ “bão giá” nên có thể mua những cầu thủ giỏi mà không tốn quá nhiều tiền. Sự kết hợp hoàn hảo giữa dàn ngoại binh chất lượng cùng nội binh “tre chưa già nhưng măng đã mọc” tạo tiền đề cho thành tích ấn tượng của đội chủ sân Chi Lăng.
Những thành công đó còn được nhắc đến bởi công tác đào tạo trẻ ở Đà Nẵng có đường hướng rõ ràng. Họ chỉ tuyển sinh người địa phương ở lứa U11. Sau đó, lên các lứa tuổi cao hơn, tại các giải trẻ toàn quốc hay Hội khỏe Phù Đổng, các tuyển trạch viên “nhắm” cầu thủ tốt thì mời về. Tuy nhiên, chủ yếu từ các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi,... bởi các cầu thủ nhí ở xa ít được phụ huynh đồng ý.
Tập luyện từ nhỏ ở SHB Đà Nẵng nên những cầu thủ vùng phụ cận chẳng khác nào là “con em” của thành phố bên bờ sông Hàn. Trước khi lên đội 1, những cầu thủ trẻ như Phan Thanh Hưng, Duy Lam, Hùng Sơn, Văn Học,...đều được cọ xát nhiều năm ở giải hạng Nhất trong màu áo Trẻ SHB Đà Nẵng.
Từ đó, khi bước lên đội 1, họ được “cấy” cùng những đàn anh và ngoại binh chất lượng để làm bệ phóng cho chức vô địch V.League 2012. Phước Vĩnh, Hoàng Quảng, Duy Lam, Hùng Sơn, Nguyên Sa, Thanh Hưng, Quốc Anh, Văn Học, Thanh Bình,...là niềm tự hào “cây nhà, lá vườn” trong thành công mà HLV Huỳnh Đức đặt dấu ấn ở thời kỳ đầu dẫn dắt SHB Đà Nẵng.
Mời độc giả đón đọc kỳ 2: Bóng đá Đà Nẵng và Huỳnh Đức...