Từ lâu, câu chuyện thù lao của các võ sĩ trong giới MMA vẫn là câu hỏi được nhiều người hâm mộ quan tâm. Ví dụ điển hình nhất chính là UFC, giải đấu chỉ công bố thù lao cứng được trả cho mỗi võ sĩ cùng với tiền tài trợ. Với những võ sĩ được ăn chia tiền bản quyền truyền hình (pay-per-views), các con số không hề được tiết lộ.
Dựa trên những thông công khai, trang tin MMAJunkies đã thực hiện một thống kê các võ sĩ kiếm được nhiều tiền nhất trong thời gian thi đấu ở UFC (không tính pay-per-views). Và có một vài cái tên có thể khiến người hâm mộ bất ngờ.
Đứng đầu danh sách này không ai khác ngoài Conor McGregor, nhà cựu vô địch 2 hạng cân đã thu về 15,082 triệu đô sau 6 năm thi đấu ở UFC. Danh tiếng và khả năng kiếm tiền của Conor đã được khẳng định qua việc phá vỡ hàng loạt kỉ lục doanh số tại giải MMA hàng đầu thế giới.
Xếp thứ 2 sau Conor là võ sĩ đang thi đấu ở hạng nặng Alistair Overeem, “The Reem” thu về 9,569 triệu đô kể từ khi đầu quân cho UFC năm 2011. Vị trí này của Reem không khiến người hâm mộ khỏi bất ngờ bởi thành tích không mấy ấn tượng của anh ở UFC. Ngay sau Overeem là ĐKVĐ hạng nhẹ Khabib Nurmagomedov nhận được 8,680 triệu đô thù lao cứng thù UFC.
Các vị trí còn lại trong Top 5 của danh sách lần lượt thuộc về huyền thoại Anderson Silva (8,112 triệu), nhà vô địch người Anh đầu tiên của UFC Michael Bisping (7,125 triệu) và huyền thoại hạng Welterweight George St Pierre (7,037 triệu). Riêng đương kim vô địch hạng Light-Heavyweight Jon Jones chỉ kém St-Pierre đôi chút ở vị trí thứ 6 với 7,025 triệu đô. Ngoài ra, Top 10 còn chứng kiến sự xuất hiện của 2 võ sĩ chưa từng giành đai khác là Mark Hunt (6,304 triệu) và Donald Cerrone (6,155 triệu).
Trung bình trong những năm từ 2015 trở lại đây, Alistair Overrem nhận được từ 500 tới 700 ngàn đô mỗi trận đấu. Con số này thậm chí cao hơn nhiều so với một số nhà vô địch hay kể các các huyền thoại như Jon Jones, Anderson Silva. Lí giải cho sự chênh lệch này phải kể tới quản lý võ sĩ - những người trực tiếp đứng ra thương thảo hợp đồng cho thân chủ của mình. Bởi như đã nhắc tới ở trên, việc một võ sĩ nhận được thù lao cao hay thấp hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận với công ty chủ quản.
Trừ các trường hợp đã thi đấu lâu năm cho UFC và tích lũy được số tiền lớn, một số tay đấm cũng leo top kiếm tiền rất nhanh khi có các trận đấu quan trọng. Ví dụ như Khabib Nurmagomedov, tới trận đấu với Conor McGregor năm 2018, thù lao của Khabib lập tức tăng theo cấp số nhân từ 530 nghìn đô lên 1,54 triệu và sau đó là 6,09 triệu ở UFC 242. Có thể thấy, chỉ cần 2 trận đấu Khabib đã có thể mang về lượng tiền gấp nhiều lần tổng số 10 trận thượng đài trước đó.
Hiện tại, câu chuyên thù lao, tài trợ của UFC vẫn liên tục được nhắc đến, từ sự thiếu công bằng cho tới các chính sách của giải đấu. Tuy nhiên, với việc vận hành như một công ty tư nhân, trừ khi có áp lực từ các Ủy ban Thể thao, sẽ rất khó để giải đấu này thay đổi cách thức chi trả của mình với các "nhân viên võ sĩ'.