Trong sáng 4/12, Quang Hải được bác sỹ Choi Ju-young của U22 Việt Nam đưa đi chụp để có kết luận chính xác nhất về nguyên nhân cũng như mức độ chấn thương. Vẫn chưa có thông báo từ BHL U22 Việt Nam về trường hợp của Quang Hải, và dưới đây là thông tin chia sẻ rất đáng tham khảo của bác sỹ thể thao CLB Bóng rổ Hanoi Buffaloes, Anh Tuấn:
"Theo những gì tôi quan sát thấy thì chấn thương của Quang Hải có thể là Hamstring strain. Dễ hiểu thì là căng cơ đùi sau.
Vậy Hamstring là gì?
1. Hamstring là một nhóm các cơ dài/vượt khớp/quan trọng nhưng dễ tổn thương.
2. Hamstring bị thằng Quad đùi trước to khỏe bắt nạt trực tiếp, đùi trước càng to khỏe mà đùi sau không được cải thiện thì càng tăng nguy cơ chấn thương
Theo thống kê ở Ngoại hạng Anh, chấn thương đùi sau là loại chấn thương cầu thủ gặp NHIỀU NHẤT. Nếu như trong hiểu biết của anh em đá bóng phủi thì lật cổ chân hay ACL là nhiều, nhưng Hamstring mới thật sự là cơn ác mộng. Sự khác biệt này đến từ sân 11, sân lớn, phạm vi di chuyển xa hơn, sải chân dài hơn và đòi hỏi về sức mạnh chi dưới lớn hơn rất nhiều.
VỀ CHẤN THƯƠNG CỦA QUANG HẢI VÀ PHỎNG ĐOÁN VỀ MỨC ĐỘ/CƠ CHẾ
Tôi không có hồ sơ bệnh án của Quang Hải, nên không nắm được liệu Quang Hải có tiền sử tổn thương Hamstring hay không. Chỉ biết rằng Hamstring là căn bệnh “rất dễ tái phát”. Những người từng bị tổn thương Hamstring thì có nguy cơ tổn thương Hamstring hơn nhiều lần.
Tôi vẫn hay nhắc tới Functional hay Functional Training. Nghe thì cao siêu, nhưng CHỨC NĂNG đơn giản chỉ là những gì bạn làm trong vận động hoặc sinh hoạt hàng ngày. Và khi cơ thể làm một động tác gì đó mà nó không thường xuyên được tập luyện, khác so với chức năng vốn có của nó (kiểu như chức năng gối chỉ là gập duỗi mà bắt nó xoay với gập ra gập vào ) thì sẽ chấn thương. Nguyên lý đơn giản là thế.
Nguyên nhân 1:
Có thể “tạm” đổ lỗi cho mặt cỏ nhân tạo. Quang Hải thường sẽ ít khi thi đấu trên mặt cỏ này (như đa phần cầu thủ khác). Ai thường đá bóng trên cả cỏ thật lẫn cỏ nhân tạo sẽ biết là bước chạy, tiếp đất… tất cả đều có sự khác biệt. Cái sự khác biệt này chính là việc cơ thể sẽ phải làm những FUNCTION mà thường nó ko làm, ít khi được tập luyện. Sự khác biệt tuy là nhỏ thôi, nhưng với tầm thành tích cao thì nó sẽ lớn. Một yếu tố khác, sân còn mưa ướt nhẹp, thì 100% là bước chạy và các động tác sẽ không như bình thường.
Nguyên nhân 2:
Quang Hải có quá tải không? Tôi cho rằng có. Hamstring hay bất cứ cơ bắp nào trên cơ thể đều tăng nguy cơ chấn thương khi cơ thể mệt mỏi uể oải. Tôi có thể thấy được sự uể oải của cả U22 Việt Nam nói chung trong trận thắng U22 Singapore. Nên nhớ Quang Hải cày cuốc liên tục suốt thời gian gần đây, vừa dứt V.League thì tới vòng loại World Cup 2022, vừa dứt thì lên đường sang đá SEA Games. Và có thể thấy, các trận tại SEA Games vừa qua Quang Hải không chơi nổi bật. Nhiều người có thể cho rằng nhiều cầu thủ khác cũng thế, cũng phải cày ải như vậy. Nhưng cầu thủ đâu phải Robot đâu mà so ra như nhau được?
Cách đây không lâu tôi cũng nói về vấn đề quá tải/overtraining và đối tượng tôi đề cập cũng chính là Quang Hải. HLV Chu Đình Nghiêm của CLB Hà Nội từng chia sẻ, rằng Quang Hải không bị quá tải mà chỉ đang có cảm giác "chán" bóng. Tuy nhiên, "CHÁN" là một trong những biểu hiện của sự quá tải.
HLV Park Hang Seo nên cho Quang Hải nghỉ hết SEA Games để dưỡng thương/dưỡng sức?
Hy vọng Quang Hải chỉ đau nhẹ. Nhưng rõ ràng HLV Park và bác sĩ Choi biết được tổn thương Hamstring tiềm ẩn nguy cơ tái phát rất cao nên rút Quang Hải ra nghỉ sớm, tôi ủng hộ quyết định này.
Hamstring Strain chia làm 3 mức độ:
Độ 1: Co rút hoặc giãn cơ
Độ 2: Rách một phần bó cơ
Độ 3: Đứt hoàn toàn bó cơ
Theo quan sát thì khả năng Quang Hải chỉ ở độ 1, mất vài ngày để hồi phục. Tôi thì nghĩ lạc quan là Quang Hải có thể nghỉ trận Thái Lan để tập trung vào đá từ Bán kết hoặc Chung kết có vẻ hợp lý hơn.
Cuối cùng thì vẫn phụ thuộc vào mức độ chấn thương thật sự sau khi kiểm tra và chụp chiếu, cùng khả năng hồi phục riêng của từng cầu thủ
Tình trạng và nguyên nhân chính xác dẫn đến chấn thương của Quang Hải Chính cần chờ kết luận của bác sĩ Choi Ju-Young và BHL U22 Việt Nam. Tôi không trực tiếp kiểm tra cho Quang Hải, chỉ xem qua truyền hình và phỏng đoán tình trạng dựa vào những gì quan sát và kinh nghiệm của mình với hy vọng NHM cũng như dân chơi thể thao có thêm góc nhìn, thông tin để tham khảo. Và trên tất cả, tôi luôn mong điều tích cực nhất đến cho cho các cầu thủ U22 Việt Nam nói riêng và các VĐV thể thao nói chung".
Theo Anh Tuấn - Bác sỹ CLB Hanoi Buffaloes