SEA Games 30 trên đất Philippines tháng 12 năm ngoái là kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á đầu tiên mà Việt Nam có đội tuyển tham dự môn triathlon-duathlon. Dân “chơi tri” thì vẫn quen gọi là 3 môn phối hợp-2 môn phối hợp hoặc bơi đạp chạy. 8 thành viên tuyển Việt Nam gồm: Lâm Quang Nhật, Lê Hoàng Vũ, Trần Văn Nhân, Cao Ngọc Hà, Nguyễn Tiến Hùng (nam) và Phạm Thúy Vi, Nguyễn Thị Kim Tuyến, Nguyễn Thị Phương Trinh (nữ).
Việt Nam tham dự tất cả các 6 nội dung giải đại hội gồm: triathlon nam - nữ, duathlon nam - nữ và hai nội dung tiếp sức hỗn hợp triathlon - duathlon. Do mới lần đầu tham dự và đội tuyển được thành lập gấp gáp với các tuyển thủ đều là VĐV không chuyên “chơi tay ngang” từ các môn như bơi, chạy bộ hoặc chỉ chuyên đạp xe… nên tuyển Việt Nam đặt mục tiêu học hỏi lên hàng đầu.
Ở nội dung triathlon cá nhân nam, hai tuyển thủ Trần Văn Nhân và Lê Hoàng Vũ lần lượt về 9 và 10/11 VĐV dự giải. Còn ở đường đua của nữ, Nguyễn Thị Kim Tuyến và Phạm Thúy Vi về đích hạng 6 và 8/10 VĐV tranh tài. Còn ở hai nội dung hỗn hợp tiếp sức triathlon và duathlon thì Việt Nam đều nằm trong Top 4.
Tới môn duathlon, nội dung cá nhân nam cũng không có huy chương khi hai tuyển thủ Cao Ngọc Hà và Nguyễn Tiến Hùng lần lượt xếp hạng 8 và 11/12 VĐV góp mặt. Cả đoàn đã xác định “trắng tay” và coi đây là sân chơi học hỏi kinh nghiệm cho cuộc chơi lớn sắp tới tổ chức ở SEA Games 31 ở Việt Nam 2 năm tới. Tuy nhiên, thành viên nữ duy nhất dự tranh nội dung duathlon cá nhân Nguyễn Thị Phương Trinh đã làm nên chuyện.
Cô gái quê Gia Lai có màn trình diễn ấn tượng để về đích thứ hai với thành tích 2:14:20, sác VĐV Monica Torres (Philippines, 2:08:44) và Pareeya Sonsem (Thái Lan, 2:11:18). Phương Trinh đã tận dụng tốt kinh nghiệm là một VĐV đạp xe chuyên nghiệp để tạo nên sự khác biệt ở lần đầu tham dự SEA Games này.
Trưa 2/12/2019 tại vịnh Subic (Philippines), quốc kỳ Việt Nam lần đầu tung bay trong lễ trao giải. Mặc dù chỉ là huy chương đồng, nhưng thành tích này được đánh giá “quý hơn vàng” bởi phong trào chơi triathlon và duathlon ở Việt Nam còn rất non trẻ, thua xa cường quốc Philippines, quốc gia giành 4/6 tấm huy chương vàng (thậm chí thực lực của quốc gia này có thể giành trọn 6 HCV).
Từ lãnh đội Dương Đức Thủy, các thành viên ban huấn luyện và các VĐV đều mừng cho Phương Trinh, cô gái sinh năm 1997 đã làm nên dấu ấn đặc biệt cho Việt Nam tại bộ môn này ở đấu trường SEA Games. Cộng đồng “chơi tri” Việt Nam ngày đó cũng đón nhận những tin tức tích cực về tấm huy chương này từ quê nhà. Triathlon/duathlon bước sang một trang mới, trước ngưỡng cửa của việc hội nhập và phát triển bộ môn cực kỳ kén người chơi nhưng lại đang là phong cách sống của nhiều người trên toàn thế giới.
Tại SEA Games 31 tổ chức ở Việt Nam vào thời điểm này một năm nữa, triathlon-duathlon cũng kịp có mặt khi được bổ sung vào danh sách thi đấu chính thức của 40 môn thể thao với 520 nội dung. Tuy nhiên, môn này hiện bị giảm từ 6 xuống còn 4 nội dung (bỏ các nội dung hỗn hợp tiếp sức). Triathlon-duathlon SEA Games 31 dự kiến tổ chức tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh). Liên đoàn Triathlon Việt Nam cũng đang ở giai đoạn chuẩn bị để ra mắt trong thời gian tới. Việt Nam phấn đấu đổi màu huy chương ở nội dung duathlon nữ.