Phỏng vấn Á quân IM 70.3 Vietnam Dimity-Lee Duke: Chơi chuyên nghiệp đòi hỏi kỷ luật và sự hy sinh

thứ tư 31-5-2017 6:33:21 +07:00 0 bình luận
Á quân Ironman 70.3 Vietnam Dimity-Lee Duke đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một triathlete đam mê đi theo con đường chuyên nghiệp.

Dimity-Lee Duke đã 3 lần tham gia Ironman 70.3 tại Đà Nẵng, Việt Nam. Thành tích của nữ VĐV người Australia này ở giải năm nay tốt nhất trong 3 mùa vừa qua. Trao đổi với PV Webthethao, Dimity-Lee Duke đã có những chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một triathlete đam mê đi theo con đường chuyên nghiệp:

Xin chào Dimity-Lee Duke. Chúc mừng chị giành giải Nhì Ironman 70.3 Vietnam 2017. 

Nhưng hình như chị chậm hơn so với chính mình ở mùa giải năm ngoái thì phải? Có phải chị chạy không được tốt không?

Đúng là thời gian chung cuộc nhiều hơn so với năm ngoái. Kết quả thi đấu còn phụ thuộc vào chiến thuật đua và điều kiện thời tiết. Tôi chạy không nhanh nhưng đối với tôi như vậy là chấp nhận được. Tôi còn có cả năm thi đấu ở phía trước!

Dimity Lee Duke (thứ 4 từ trái sang) tại Iroman 70.3 Vietnam
Dimity Lee Duke (thứ 4 từ trái sang) tại Iroman 70.3 Vietnam. Ảnh: Ironman

Chị có thể giới thiệu sơ qua về mình được không?

Đến những năm hơn 20 tuổi, tôi mới thi đấu triathlon. Trước đây, tôi chơi bóng rổ ở giải của bang và giải VĐQG từ lúc 10 tuổi và có chơi các môn điền kinh. Tôi tập bóng rổ rất nghiêm túc và lọt vào mắt xanh của các HLV tuyển chọn VĐV cho ĐTQG. 

Không may, tôi bị chấn thương đầu gối khá nặng lúc 16 tuổi và phải mất 5 năm để chữa chấn thương và hồi phục chức năng. Trong thời gian đó, tôi bắt đầu tham gia chạy bộ, bơi và đạp xe nhiều hơn. Những môn thể thao này giúp tôi luôn lạc quan, tích cực.

Khi tôi 18 tuổi, tôi chơi đua xe moto off-road và thi đấu ở giải VĐ bang và giải VĐQG. Sau đó, tôi quyết định từ bỏ bóng rổ và tập trung vào đua xe moto. Vì đây là môn thể thao mùa Đông, tôi chơi triathlon trong những tháng mùa hè để giữ thể lực và vóc dáng.

Dimity-Lee Duke tại khu chuyển tiếp bơi-đạp xe Ironman 70.3 Vietnam 2017:

 

 

Năm 2008, tôi thi đấu giải Ironman đầu tiên dù không tập luyện nhiều và hoàn thành dưới 12 giờ. Kể từ đó, tôi thi đấu các giải Ironman và Ironman 70.3 nhiều hơn theo nhóm tuổi. Tại giải VĐTG Ironman ở Hawaii năm 2013, tôi giành vị trí thứ 4 nhóm tuổi. Năm 2014, tôi chuyển sang thi đấu với tư cách VĐV chuyên nghiệp.

Tôi có 2 bằng Cử nhân Điều dưỡng và Cử nhân khoa học y tế. Bố mẹ khuyến khích tôi phát triển sự nghiệp ổn định nên tôi đã từng bỏ thể thao để đi làm theo chuyên môn tôi được học. Cho đến năm 2015, tôi vẫn còn làm việc trong ngành y tế ở các bệnh viện và các vùng xa thuộc Western Australia. Đôi khi, tôi phải làm việc 2-3 tuần liên tục, 12 giờ/ngày. Công việc bận rộn khiến tôi cảm thấy stress.

Mặc dù tôi đã dành toàn tâm toàn ý để tham gia các giải thi đấu, tôi vẫn bỏ thời gian để huấn luyện triathlon online với Z-Coaching, xét nghiệm qua mồ hôi da.

Hiện tại chị đang sống ở đâu?

Tôi hiện tại ở Phuket (Thái Lan), tập luyện cùng team của tôi và HLV Jurgen Zack.

 

Dimity Lee Duke có 2 bằng về y tế
Dimity Lee Duke có 2 bằng về y tế. Ảnh: Dimity-Lee Duke

Từ khi nào chị quyết định trở thành VĐV ba môn phối hợp chuyên nghiệp? 

Từ ngày chơi bóng rổ, tôi luôn muốn trở thành VĐV chuyên nghiệp. Tôi cho rằng tôi may mắn đúng lúc đúng chỗ đúng thời điểm để mà nắm lấy cơ hội. Tôi đã tự thử thách mình trong 12 tháng qua với cuộc sống của một VĐV chuyên nghiệp.

Quay trở lại giải VĐTG năm ngoái ở Kona, Chị có hài lòng với kết quả 9h44’ (01:01:49, 05:15:21, 03:21:25) không? Phần thi nào tốt nhất? Giải nào giúp chị có vé đi Kona?

Kết quả thi đấu năm vừa rồi ở Kona đối với tôi khá ổn. Hiển nhiên, là một VĐV, bạn luôn muốn mình có thể thi đấu tốt hơn thế. Mỗi lần tôi tới hòn đảo ấy, thành tích lại cải thiện. Tôi vẫn muốn lọt vào Top 10. Tôi xem chạy bộ như điểm mạnh của tôi nhưng tôi lại cảm thấy bơi và đạp xe đang có dấu hiệu tiến bộ hơn ở thời điểm hiện tại. Phải cực kỳ nỗ lực mới có thể đảm bảo cả 3 môn đều tốt nhưng suy cho cùng thì người về đích đầu tiên là người chiến thắng.

Thi đấu chuyên nghiệp khác với thi đấu theo nhóm tuổi. Bạn phải thu thập điểm trong mùa giải để đạt chuẩn tham gia Ironman World Championships. Chỉ có 35 VĐV nữ đứng đầu bảng xếp hạng được tham dự. Điểm được cộng dồn từ các giải Ironman 70.3 và 140.6 và chỉ lấy kết quả từ 4 giải có điểm số cao nhất để xem xét (phải bao gồm có 1 giải Ironman). Vì thế, thời gian chung cuộc không quan trọng bằng thứ hạng. 

Tôi nghe nói chị mới đây dành ít thời gian chạy ở 1 trại huấn luyện ở Kenya sau khi hoàn thành Ironman Nam Phi (diễn ra 1 tháng trước giải Ironman 70.3 Vietnam 2017) theo một chương trình từ thiện của một tổ chức phi chính phủ và nhà tài trợ của chị. Nó thú vị chứ?

Khá thú vị, tôi may mắn được trải nghiệm 1 tuần tập chạy ở Kenya với một vài VĐV điền kinh xuất sắc của thế giới. Nhà tài trợ giày ON của tôi cũng là nhà tài trợ của một vài VĐV Kenya thông qua chương trình Run2Gether. Trại tập huấn cách Nairobi khoảng 2 giờ đồng hồ và nằm trên độ cao 2500m. Do không có nhiều thời gian thích nghi với độ cao, tôi thấy khó có thể chạy tốc độ với điều kiện như vậy nên tôi chạy hầu như ở chế độ aerobic (tốc độ thấp). Các VĐV Kenya có lịch tập khá đơn giản (chạy đơn giản hoặc chạy nhanh) nhưng nó vẫn hoàn toàn hiệu quả.

 

Trại tập luyện tại Kenya. Ảnh: Dimity-Lee Duke
Trại tập luyện tại Kenya. Ảnh: Dimity-Lee Duke

Ở giải Ironman Nam Phi, hình như chị bị DNF, có phải chị bị trục trặc với xe đạp?

Đúng vậy, cuộc đua nhanh chóng kết thúc đối với tôi sau khi bị thủng xăm.

Chị đã bao giờ sự cố như vậy chưa? Có dễ dàng để đưa ra quyết định đi tiếp hay dừng lại không?

Tôi đã từng hỏng xe khi còn thi đấu theo nhóm tuổi trong thời gian trước đây nhưng chưa bao giờ bị khi thi đấu chuyên nghiệp. Cân nhắc thời gian tôi đã mất vì khắc phục sự cố (và nghĩ về điểm số để đạt chuẩn Kona) tôi đã quyết định không tiếp tục đua nữa. Mặc dù tôi có thể hoàn thành cuộc đua. Tôi sẽ mất sức nhiều hơn và không có được điểm số tốt ở cuộc đua này. Nên tôi quyết định dừng lại mang tính chiến thuật. Ban đầu, đây là quyết định khó khăn nhưng tôi nghĩ tôi đã có quyết định đúng để hướng về tương lai. Quá trình phục hồi của tôi tốt và sẵn sàng tập trung hướng tới giải Ironman tiếp theo.

Chị có điểm yếu nào cần cải thiện không?

Mọi VĐV đều có điểm yếu và đối với tôi ở thời điểm hiện tại thì là niềm tin rằng tôi có thể thi đấu tốt nhất trong khả năng có thể. Có nhiều điểm tôi cần cải thiện trong cả 3 môn bơi, đạp xe và chạy bộ nhưng đây là một phần không thể thiếu trong tiến trình hoàn thiện bản thân.

Năm ngoái, chị đã tham gia những giải nào rồi?

Ironman 70.3 Subic, 70.3 Vietnam, 70.3 Cebu, IM Australia, IM Frankfurt, IM World Championships, 70.3 Phuket. 

 

Dimity-Lee Duke từng thi đấu bóng rổ và đua xe moto offroad ở giải quốc gia
Dimity-Lee Duke từng thi đấu bóng rổ và đua xe moto offroad ở giải quốc gia. Ảnh: Dimity-Lee Duke

Một tuần tập luyện tiêu biểu của chị như thế nào, trong điều kiện bình thường cũng như trong quá trình chị chuẩn bị cho Kona?

Một tuần tập tiêu biểu của tôi ở bất cứ đâu cũng có từ 20-25 giờ (5 buổi tập bơi, 4 buổi tập xe đạp, 5 buổi tập chạy). Nếu chuẩn bị cho Kona, tôi có thể tập từ 30 giờ đến 35 giờ (số buổi tập vẫn vậy nhưng cường độ cao hơn). Bạn có thể xem lịch tập hàng tuần của tôi tại trang Facebook Z-Coaching Phuket.

Mục tiêu trong năm 2017 của chị là gì?

Tôi vẫn giữ mục tiêu đạt chuẩn tham dự giải VĐTG Ironman và có mặt trong Top 10. Tôi cũng muốn chiến thắng một giải 70.3 hoặc Ironman (vị trí tốp đầu vẫn còn ngó lơ tôi). Giải sắp tới của tôi là Ironman Cairns sẽ diễn ra trong vài tuần nữa nên tôi cần tập trung từ bây giờ. 

 

Dimity Lee Duke tại khu vực chuyển tiếp từ bơi sang đạp xe tại IM 70.3 Vietnam 2017
Dimity Lee Duke tại khu vực chuyển tiếp từ bơi sang đạp xe tại IM 70.3 Vietnam 2017. Ảnh: Nguyễn Đạt

Với kinh nghiệm của chị, chị có lời khuyên gì đối với các VĐV Việt Nam, những người muốn đi theo con đường chuyên nghiệp?

Mỗi VĐV đều có lý do cá nhân riêng để thi đấu ở hạng chuyên nghiệp. Có người thích danh tiếng và tiền bạc, có người lại muốn trải nghiệm cuộc sống gắn bó với ba môn phối hợp. Bạn cần phải thực tế, không phải bất cứ ai cũng phải trở thành VĐV chuyên nghiệp. Nó đòi hỏi tính kỷ luật và sự hy sinh, cũng giống như bạn phải trả giá để đạt được thành công trong công việc hàng ngày vậy.

Là VĐV, bạn sẽ phải đối mặt những lúc thăng, lúc trầm của nghề. Đa phần những người hâm mộ các VĐV chuyên nghiệp chỉ thấy mặt tốt đẹp của họ.

Tôi cảm thấy thích thú một ngày nào đó Việt Nam có VĐV chuyên nghiệp. Với những con người cùng nhiệt tình chung tay giúp sức phát triển cộng đồng triathlon (Sunrise Events) thì ngày đó không còn xa xôi.

Cảm ơn Dimity-Lee Duke. Chúc chị đạt thành tích tốt như mong muốn ở các giải ba môn phối hợp tới. 

 

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm