Hình ảnh “kình ngư” Võ Thanh Tùng tập tễnh bước đi trong dòng người chạy hối hả tại Ironman 70.3 VN được lan truyền một cách mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội.
Là một trong ba thành viên của đội VNG Forever One, bên cạnh Lê Đức Thành (chạy 21km) và Nguyễn Đình Hiếu (đạp xe 90km), Võ Thanh Tùng đã kết thúc nội dung bơi 1,9km trên biển của mình với tổng thời gian khoảng 47 phút. Đáng chú ý, riêng quãng thời gian di chuyển trên cát để tới khu vực Transition (chuyển tiếp) khiến kình ngư người An Giang mất tới 9 phút.
“Dù rất mệt nhưng với sự cổ vũ cuồng nhiệt của mọi người, tôi đã nỗ lực hết sức để di chuyển tới chỗ anh Hiếu. Đây là một trải nghiệm thú vị mà tôi sẽ không bao giờ quên”, Võ Thanh Tùng nhớ lại.
Tài năng của Võ Thanh Tùng trên đường đua xanh là điều không phải bàn cãi. Kình ngư người An Giang gặt hái thành tích ở hầu hết những giải đấu mà một VĐV khuyết tật mơ ước, từ giải VĐQG, Asian Para Games cho đến chiếc HCB lịch sử ở nội dung 50m tự do tại Paralympic 2016.
Thế nhưng, Ironman là một cuộc đua hoàn toàn khác, nơi anh sẽ lần đầu tiên “vươn ra biển lớn” theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Vươn ra …biển lớn để khám phá bản thân
“Đó là một thử thách mà tôi chưa từng có kinh nghiệm đối mặt”, kình ngư người An Giang trao đổi với Webthethao. “Khi thi đấu trên biển, việc bị sóng đánh vào người sẽ khiến cho VĐV có cảm giác trọng lượng cơ thể nặng hơn. Điều này khác hoàn toàn so với lúc tôi bơi ở bể hoặc hồ. Đây cũng là khó khăn lớn nhất mà tôi phải giải quyết tại Ironman 70.3 Vietnam lần này”.
Á quân bơi Paralympic không hề có kinh nghiệm bơi biển, nhưng anh cũng đã từng bơi sông. Theo chia sẻ, anh từng bơi dài nhất ở sông với độ dài 3km trong 50 phút. Kể từ khi nhận lời tham dự Ironman 70.3 Vietnam, kình ngư này chỉ có khoảng 2 tháng để tập luyện và tìm hiểu về 3 môn phối hợp (Triathlon).
Do vẫn đang thuộc biên chế của Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia TP. HCM, anh Tùng chỉ có thể tập luyện trong đó và ít có cơ hội giao lưu trực tiếp với 2 thành viên còn lại trong đội VNG Forever One.
“Trong suốt 2 tháng đó, tôi duy trì chế độ tập luyện hàng ngày, gồm bơi 400m ở bể vào buổi sáng và tập thể lực vào buổi chiều”, anh Tùng chia sẻ. "Mục tiêu của tôi đặt ra trước ra khi giải đấu bắt đầu là hoàn thành phần thi với thời gian ít hơn 50 phút và thật tuyệt vời khi đã làm được điều đó”
Đón nhận mọi thứ một cách chuyên nghiệp nhất
Đó là suy nghĩ chung của anh Hiếu và anh Thành về người đồng đội của mình tại Ironman 70.3 Vietnam mùa thứ 3.
“Ấn tượng của tôi với anh Tùng là sự chuyên nghiệp cho dù đây chỉ là giải đấu mang tính phong trào”, anh Nguyễn Đình Hiếu cho biết. “Từ việc trao đổi, tập luyện, cũng như tâm thế đến với sự kiện rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, hình ảnh của anh lúc trao mình con chip thi đấu khi hoàn thành phần bơi rất xúc động, có lẽ đó là hình ảnh mình sẽ nhớ mãi về sau.”
Trong khi đó, kình ngư người An Giang trong mắt của anh Lê Đức Thành là một người luôn tràn đầy sự lạc quan và dễ mến, đúng chất miền Tây.
Thời gian gặp nhau trực tiếp của các thành viên trong đội VNG Forever One không có nhiều bởi anh Tùng phải sinh hoạt trong Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (TTHLTTQG) TPHCM. Tuy nhiên, cả 3 người vẫn thường xuyên liên lạc qua Zalo để trao đổi về thành tích tập luyện của nhau.
“Anh Tùng luôn rất nghiêm túc trong việc tập luyện hàng ngày cũng như chia sẻ thành tích và tư vấn cho các anh em còn lại trong đội”, anh Thành nhớ lại. “Là một VĐV chuyên nghiệp, anh Tùng luôn cho thấy sự tự tin và lạc quan của mình. Đó là động lực lớn giúp cho tôi và Hiếu không ngừng cố gắng hơn nữa vì thành tích của toàn đội”.
Trong số những thành viên của đội VNG Forever One, anh Nguyễn Đình Hiếu là thành viên có thời gian tập luyện ít nhất với vỏn vẹn 1 tháng trước khi diễn ra giải đấu. Tuy nhiên, sự động viên và ủng hộ kịp thời của anh Tùng đã giúp anh vượt qua được mọi khó khăn.
“Có thời điểm, Hiếu tự trách bản thân: ‘Sao hôm nay chạy chậm như rùa thế?’. Lúc đó, tôi và Tùng đã không ngừng động viên cậu ấy cố gắng vượt qua vì chặng đường phía trước còn rất dài.
Mọi thứ sau đó đã tốt hơn rất nhiều khi có những lúc Hiếu thực hiện hành trình đạp xe kéo dài tới 160km từ Sài Gòn vào Madagui (Lâm Đồng). Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi thấy anh ấy vượt qua giới hạn của chính bản thân mình”, anh Thành chia sẻ.
Vượt lên tất cả là tinh thần đồng đội
Một điều mà kình ngư người An Giang lặp lại nhiều khi trao đổi với phóng viên Webthethao chính là tinh thần đồng đội. Hay nói cách khác, đối với anh Tùng, chính sự giúp đỡ hết mực của anh Thành và anh Hiếu là chìa khóa giúp anh đạt được mục tiêu vượt lên bản thân ở Ironman 70.3.
Từ việc đi lại cho đến làm thủ tục đăng ký tham dự Ironman 70.3 Vietnam 2017, anh Tùng đều được các đồng đội hỗ trợ một cách tối đa.
“Dù thời gian gặp nhau trực tiếp không nhiều, tôi luôn coi anh Thành và anh Hiếu giống như những người bạn tri kỷ của mình vậy”, anh Tùng hào hứng cho biết. “Đến với Ironman lần này, tôi giống như ‘một tờ giấy trắng’, trong khi anh Thành và anh Hiếu đều đã có ít nhiều kinh nghiệm. Do vậy, sự chỉ bảo tận tình của hai anh là điều vô cùng cần thiết, giúp tôi hoàn thành phần thi của mình”.
Kình ngư người An Giang chia sẻ, những bức hình lưu niệm và tình cảm giữa 3 anh em là phần thưởng giá trị nhất mà anh có được tại giải đấu lần này.
“Nếu có cơ hội tham dự Ironman ở những dịp tới, tôi vẫn muốn thi đấu cho đội VNG Forever One và được làm đồng đội với anh Hiếu và anh Thành…”