Tại Giải Vô địch Triathon Quốc gia 2023 tại TP.HCM cuối tháng 7 vừa qua, Nguyễn Thị Kim Cương đã gây ấn tượng khi vô địch nội dung triathlon nữ, khẳng định bản thân là VĐV ba môn phối hợp nữ số một Việt Nam hiện nay, dù mới chuyển qua bộ môn mới này chưa lâu, khi vẫn đang song song theo đuổi môn chính là xe đạp đường trường.
Từ niềm hy vọng của xe đạp nữ Cần Thơ…
Nguyễn Thị Kim Cương chưa nổi danh như Nguyễn Thị Thật của An Giang, đàn chị nổi tiếng của làng xe đạp đường trường nữ Việt Nam nhiều năm qua. Tuy nhiên, với thể thao Cần Thơ, thì cô là một tài năng đáng chú ý.
Kim Cương sinh năm 2000 và đến năm 17 tuổi thì bắt đầu tập luyện cùng đội xe đạp trẻ Cần Thơ. Tới năm 2021, sau một vài danh hiệu cá nhân, cô được gọi vào đội tuyển xe đạp quốc gia từ năm 2021. Do SEA Games 31 bị lùi vì dịch COVID-19, nên đến tháng 5/2022, Kim Cương mới chính thức được thi đấu cho Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Đây được coi là dấu mốc đáng chú ý của xe đạp nữ Cần Thơ bởi suốt từ thời Trần Thị Thủy Tiên giành HCĐ SEA Games 18 năm 1995 ở Thái Lan thì vùng đất gạo trắng nước trong này chưa có một nữ cua-rơ nào lặp lại thành tích trên.
Đã lâu lắm rồi, xe đạp nữ Cần Thơ mới lại có một đại diện được gọi lên tuyển và thi đấu SEA Games. Để có được thành công này, Kim Cương đã nỗ lực và gặt hái một số thành tích đáng chú ý trong hơn 5 năm theo đuổi môn xe đạp.
Cô gái 2X từng giành danh hiệu Áo trắng ba năm liên tiếp (2019, 2020, 2021) tại giải xe đạp nữ Bình Dương. Và cũng trong năm 2021, Kim Cương có một bước ngoặt quan trọng khác…
…đến VĐV ba môn phối hợp
Khi giải ba môn phối hợp TRI-Factor 2021 tổ chức ở Vũng Tàu, Kim Cương đăng ký tham dự nội dung triathlon nữ. Đây là môn đòi hỏi VĐV phải thi đấu cùng lúc bơi-đạp-chạy, khác xa môn xe đạp mà cô vẫn tập luyện và thi đấu hàng ngày.
Năm đó, sau khi hoàn thành đường bơi biển 1,5km, đạp xe 40km và chạy bộ 10km với thành tích 2 giờ 25 phút 43 giây (2:25:43), Kim Cương được ban huấn luyện của đội tuyển triathlon quốc gia chú ý và triệu tập.
Do đã có tên trong danh sách đội tuyển xe đạp quốc gia dự SEA Games 31, nên năm 2022, Kim Cương vẫn thi đấu bộ môn xe đạp đường trường. Và đến SEA Games 32 ở Campuchia tháng 5 vừa qua, cô mới bắt đầu ra mắt ở môn triathlon.
Dù không giành được huy chương tại SEA Games 32, nhưng Kim Cương đã dần khẳng định mình là một nữ VĐV triathlon hàng đầu Việt Nam hiện nay. Ở lần đầu dự ba môn phối hợp SEA Games 32, Kim Cương đã dính chấn thương khá nặng. Và từ tháng 5 đến nay, cô đã đấu tranh rất nhiều để giữ được phong độ.
“Kết thúc kỳ SEA Games 32 đáng nhớ, lần đầu thi đấu bộ môn triathlon (bơi đạp chạy) và đây cũng là lần chấn thương nặng nhất trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao của mình. Một chấn thương không thể nào tin được khi mình chạy. Nhưng không sao,mình sẽ vượt qua và trở lại sớm thôi…” - Kim Cương chia sẻ về kỷ niệm thi đấu đáng nhớ ở Campuchia tháng 5 vừa qua.
Vượt qua chấn thương để giành HCV quốc gia
Hơn 2 tháng chật vật với chấn thương từ SEA Games 32, Kim Cương vẫn nỗ lực tập luyện để tham dự giải triathlon quốc gia 2023. Ở giải VĐQG, các VĐV tham dự nội dung triathlon sẽ thi theo hình thức Sprint với 750m bơi, 20km đạp xe và 5km chạy, thay vì cự ly Olympic (1,5km, đạp xe 40km và chạy bộ 10km) như ở SEA Games.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Kim Cương đã xuất sắc cán đích đầu tiên với thời gian 1:13:58. Cô gái đoàn Cần Thơ đánh bại á quân Nguyễn Thị Trà My (Hậu Giang) chưa đến 01 phút (1:14:43) và đặc biệt là vượt qua cả đàn chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (TPHCM, 1:16:09), người từng thi đấu triathlon nữ ở SEA Games 30 tại Philippines năm 2019, thời điểm lần đầu tiên Việt Nam gửi VĐV dự bộ môn này.
Sau tấm HCV quốc gia quý giá lần này, Nguyễn Thị Kim Cương chia sẻ: “Như Cương đã từng chia sẽ trước SEA Games 32, Cương đã gặp chấn thương khá nặng, bác sĩ nói chỉ cần tập cường độ cao có thể sẽ gãy luôn phần xương háng.
Cương cần thời gian 3-6 tháng để phục hồi trở lại. Khoảng thời gian đó, Cương đã gặp rất nhiều khó khăn áp lực, mình có thể chơi tiếp bộ môn Triathlon này nữa không? Gia đình, bạn bè, người thân kêu Cương từ bỏ về với Xe Đạp đường trường lại.
Nhưng Cương quyết không từ bỏ, ngã ở đâu đứng lên ở đó. Cách đây 1 tháng, trước khi giải diễn ra, Cương vẫn lo lắng vì khi chụp MRI lại, kết quả xương của Cương chỉ mới hồi phục 90% (vẫn còn phù tủy, mặc dù xương đã liền nhẹ). Cương vẫn suy nghĩ đắn đo, có nên mạo hiểm tham dự giải hay không?
Nhưng rồi may mắn đã mỉm cười với Cương. Cương bắt đầu chạy nhẹ dần, thử cảm giác không còn đau nữa. Cương tập dần trở lại đến ngày hôm nay được khoảng đâu đó 9-10 buổi chạy.
Và rồi ngày hôm nay… sau cơn mưa trời lại sáng, Cương đã trở lại. Vẫn ở đây sau ánh hào quang”.