Sau thành công của giải năm ngoái, IRONMAN 70.3 Vietnam 2016 ghi nhận số lượng VĐV đăng ký tranh tài tăng lên đáng kể, với hơn 1.100 VĐV đến từ 60 quốc gia. Đáng chú ý, số lượng VĐV người Việt Nam đăng ký tham gia nhảy vọt lên đến 170 VĐV so với 69 VĐV trong mùa đầu tiên.
Giải thưởng hấp dẫn: Các suất tham dự IRONMAN 70.3 WORLD CHAMPIONSHIP
Thi đấu 3 môn phối hợp theo chuẩn IRONMAN 70.3 (bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy 21km) ở nội dung cá nhân đòi hỏi người chơi phải tập luyện, tích lũy trong một thời gian dài, ít nhất là 6 tháng đối với những người mới bắt đầu làm quen. Vì vậy, số lượng người Việt tham gia tuy còn khiêm tốn nhưng là tín hiệu tích cực về sự phát triển của phong trào chơi ba môn phối hợp.
IRONMAN 70.3 Vietnam 2016 cũng chính là vòng loại của VCK thế giới IRONMAN 70.3 tại Queensland (Úc) và VCK châu Á Thái Bình Dương tại Philippines. 46 suất vòng loại chia theo lứa tuổi cho VCK thế giới IRONMAN 70.3 và 44 suất cho VCK châu Á Thái Bình Dương, trong đó bao gồm các suất danh dự cho các vận động viên nam và nữ của Việt Nam xuất sắc nhất. Do đó, cuộc đua tranh giữa nhóm các VĐV người Việt ở giải năm nay càng thêm phần hấp dẫn.
Đúng như dự báo, những VĐV Việt Nam có thành tích thi đấu xuất sắc nhất hầu như không nằm ngoài những gương mặt mà webthethao.vn đã điểm danh.
Nữ: Gia Huệ chưa có đối thủ
Ở nội dung nữ, cuộc cạnh tranh ngôi vị số 1 Nữ Việt Nam xoay quanh 3 cái tên: Gia Huệ (Bib 1166), Tiểu Phương (1111) và Cẩm Tú (1050). Với kinh nghiệm và thể lực tốt, đều ở cả 3 môn, VĐV Gia Huệ bảo vệ thành công vị trí số 1 rất xứng đáng.
Cẩm Tú thể hiện rõ năng khiếu bơi của mình khi chỉ mất hơn 34 phút để hoàn thành 1,9km bơi biển và dẫn trước các đối thủ. Thậm chí thành tích này của cô còn ngang ngửa 1 VĐV nữ thuộc nhóm chuyên nghiệp. Tuy nhiên ở 2 nội dung đạp xe và chạy, VĐV mang số Bib 1050 đã để Gia Huệ bắt kịp và vượt lên. Dù sao vẫn phải ghi nhận nỗ lực của Cẩm Tú khi cô chưa từng bơi biển lần nào và chiếc xe đạp mà “bông hồng thép” này sử dụng để thi đấu chỉ có giá...10 triệu đồng. Nếu có được “chiến mã” tốt thì chắc chắn thành tích của cô sẽ không dừng lại ở đây.
Khác với 2 đối thủ trên, Tiểu Phương bị “dớp” môn bơi biển do tập bơi chưa nhiều, còn bơi ngoài biển chưa bao giờ quá 200m nên vượt qua được nỗi sợ hãi bơi biển đối với cô cũng đã là thành công. Mục tiêu của “bông hồng thép” này trong thời gian sắp tới là tập bơi sải, tiến tới chinh phục thử thách khó khăn hơn là full ironman (bơi 4,2 km - đạp xe 180 km - chạy 42,2 km).
Nam: chiến thắng từ sự kiên trì, kỉ luật
Ở hạng mục nam, mặc dù webthethao.vn đã nhận định Nguyễn Phương (Bib 897) trong nhóm ƯCV nhưng việc VĐV này về nhất trong nhóm người Việt vẫn mang lại sự bất ngờ thú vị bởi anh tham dự rất ít các cuộc thi chạy, bơi phong trào nên không nhiều người đánh giá được thực lực của anh. Thành tích của Phương còn có thể tốt hơn nếu cải thiện được thời gian ở nội dung đạp xe.
Ngoài Nguyễn Phương, Hoàng Tú (Bib 212) cũng là người có sự tiến bộ khi rút ngắn được hơn 1 giờ đồng hồ từ 7 giờ 13 phút ở giải lần 1 còn 6 giờ 17 giây tại giải năm nay. Nhưng anh cũng chỉ xếp thứ 4 trong bảng tổng sắp do thua VĐV Trương Bắc 12 giây. Nếu như đây là cuộc thi chọn lựa Top 3 thì rõ ràng Hoàng Tú bị loại tức tưởi vì thua đối thủ với khoảng cách hẹp như vậy (xem bảng xếp hạng dưới). Ba gương mặt còn lại trong nhóm ƯCV đều không thể hiện được mình một phần do khối lượng tập luyện không đủ cần thiết.
(*) VĐV Trịnh Bằng không được tính vào suất danh dự đi WORLD CHAMPIONSHIP mà IRONMAN dành cho các VĐV Việt Nam. XH1: xếp hạng theo nhóm tuổi; XH2: xếp hạng chung cuộc
Nói đến cái tên ấn tượng tại giải lần này không thể không nhắc đến Nguyễn Lâm (Bib 231). Không nằm trong danh sách ƯCV, Nguyễn Lâm bất ngờ giành vị trí thứ 2 với thành tích ấn tượng 5 giờ 58 phút 02 giây, bởi thời gian dưới 6 giờ (sub 6h, tương tự chạy marathon sub 4h) ở thời điểm hiện tại có thể coi là "chuẩn mực" đối với VĐV Việt Nam nghiệp dư để hoàn thành 3 môn IRONMAN 70.3. Nếu ai theo dõi quá trình tập luyện, chơi thể thao của Thanh Lâm thì cũng không hẳn quá "sốc" bởi anh đã từng kỉ niệm ngày sinh nhật bằng cách chạy...83 km một mình khắp Hà Nội. Cũng như nhiều VĐV khác, anh Lâm cho rằng cần có plan tập luyện cụ thể và quan trọng nhất vẫn là tinh thần không bao giờ bỏ cuộc.
Bơi tốt hơn dự kiến, đạp xe khó khăn
Nếu như ở năm ngoái, một số VĐV Việt Nam phải bỏ cuộc vì nhiều lý do (quá thời gian cut-off, xe hỏng…) hoặc thành tích còn rất khiêm tốn (hơn 7 giờ, thậm chí 8 giờ đồng hồ) thì năm nay các VĐV trong các hội nhóm chơi ba môn phối hợp ở cả 3 miền đều đạt thành tích tốt hơn dự kiến, nhất là môn bơi. VĐV Hoàng Yến (Hà Nội) cho biết kết quả bơi của chị tốt ngoài mong đợi bởi chị từng bơi thử ở biển DNF (Did Not Finish - quá thời gian cho phép). Kể cả những người nhiều kinh nghiệm hơn như anh Tuấn Anh (TP.HCM), người từng bơi biển dài nhất 3,5km và bơi hồ 5km vẫn phải thở phào “thi môn bơi xong cảm giác như... về đích”.
Theo nhận định của nhiều VĐV, tốc độ gió khi đạp xe ở đoạn cuối khá lớn nên vận tốc sụt giảm, ảnh hưởng đáng kể đến thành tích. Nếu nắm được qui luật tốc độ gió, các VĐV có thể có chiến thuật phân phối sức lực hợp lý hơn cho giai đoạn đầu. VĐV Đào Trung Thành (Bib 565), người về đích sau 6 giờ 45 phút (xếp hạng 62/137 VĐV lứa tuổi 45-49), cho biết: “Khi đã qua bơi và đạp thuận lợi, tôi thiết lập lại mục tiêu là sub 6h30 để phấn đấu nhưng vì gió ở chặng đạp 30 km cuối làm tiêu tan hy vọng”, anh tiếc rẻ.
Đường chạy Đà Nẵng phẳng nên không phải là trở ngại lớn đối với các VĐV có luyện tập bất chấp nắng nóng giữa trưa. BTC đã bố trí nhiều điểm tiếp đủ nước dọc đường chạy. Một điểm mà hầu hết đều tỏ ra tiếc nuối là thời gian chuyển đổi từ bơi sang đạp xe và từ đạp xe sang chạy ở khu vực transition mất khá nhiều thời gian do lần đầu còn thiếu kinh nghiệm.
Trong số các VĐV nam tốp đầu ở trên, chỉ duy nhất Nguyễn Phương có thời gian ở Transition dưới 10 phút. Ba người còn lại phải mất gần 12 phút. Để thấy rõ sự khác biệt, thời gian ở Transition của VĐV Trịnh Bằng chỉ có 7 phút 44 giây. Tương tự ở nhóm nữ, Gia Huệ cũng là VĐV tốn ít thời gian ở Transition nhất với 12 phút 02 giây. Tiểu Phương phải mất tới gần 17 phút. Cách biệt quá lớn ngay ở khu Transition.
VĐV Việt Nam ở đâu trong cuộc chơi với thế giới tại WORLD CHAMPIONSHIP?
Như vậy, Việt Nam chắc chắn đã có 2 đại diện đi dự IRONMAN 70.3 WORLD CHAMPIONSHIP sắp tới tại Queensland (Úc) là Gia Huệ và Nguyễn Phương. Với thành tích như trên, 2 VĐV này sẽ ở đâu trong bản đồ ba môn phối hợp thế giới? Cùng xem lại thống kê giải World Championship 2015:
Thành tích của Nguyễn Phương:
00:44:47 | 02:50:39 | 01:56:54 |
Thành tích trung bình nhóm Nam 30-34: Bơi 00:35:46 , Đạp xe 02:53:17 , Chạy 01:52:32 . Như vậy, thời gian đạp xe và chạy của Phương tương đương với thời gian trung bình của nhóm tuổi 30-34. Tuy nhiên, thời gian bơi của Phương còn khá xa so với "chuẩn" giải thế giới. Anh cần phải cải thiện thành tích bơi hơn nữa.
Thành tích của Gia Huệ:
00:47:04 | 03:00:58 | 02:12:21 |
Thành tích trung bình nhóm Nữ 35-39: Bơi 00:39:23 , Đạp xe 03:16:05 , Chạy 02:10:21
Qua các thông số trên có thể thấy, tổng thời gian của Gia Huệ ít hơn thời gian trung bình của nhóm tuổi 35-39 khoảng 6 phút. Dĩ nhiên, cô hoàn toàn có thể cải thiện thêm thành tích cả ba môn từ nay cho đến khi tham dự giải, kể cả việc tập luyện tối ưu thời gian ở Transition sao cho ngắn nhất.
Hi vọng các VĐV đại diện cho cộng đồng ba môn phối hợp Việt Nam thể hiện phong độ tốt tại giải WORLD CHAMPIONSHIP 2016 vào ngày 4/9 tới.