Thành danh từ đường đua 1500m
Lâm Quang Nhật được nhiều người biết đến hơn sau kỳ tích giành huy chương vàng bơi 1.500m tự do tại SEA Games Myanmar 2013. Lúc đó, ở tuổi 16, chàng trai có khuôn mặt ngây thơ, búng ra sữa… đã vượt mặt hàng loạt các anh tài dày dạn kinh nghiệm đến từ Singapore, Malaysia… để giành tấm huy chương vàng một cách gây sốc.
Ở thời điểm đó, Nhật hoàn toàn vô danh bởi mới lần đầu dự SEA Games, chưa có thành tích quốc tế nào nổi bật. Nhưng chính sự thoải mái tâm lý, không bị đối thủ nhòm ngó… lại là lợi thế để chàng trai này bứt phá. Sự tiến bộ vượt bậc lúc đó của Nhật khiến không chỉ ban huấn luyện mà cả bạn bè quốc tế phải chú ý.
2 năm sau đó tại Singapore, Lâm Quang Nhật còn thể hiện xuất sắc hơn nữa. Chàng trai 18 tuổi không chỉ giành huy chương, bảo vệ thành công vị trí số 1, mà còn lập kỷ lục SEA Games mới ở nội dung 1.500m tự do nam. Thành tích 15 phút 31 giây 03 đã giúp Nhật trở thành tay bơi 1.500m tự do nhanh nhất Đông Nam Á, phá vỡ kỷ lục cũ 15 phút 37 giây 75 của Ryan Arabejo (Philippines - SEA Games 2009, Lào) tới gần 6 giây. Đây cũng là kỷ lục quốc gia của Lâm Quang Nhật, bên cạnh kỷ lục quốc gia bơi 800m tự do, 4x100 tự do tiếp sức và 4x200m tự do tiếp sức…
Ngã rẽ không ngờ sau khi chia tay đường đua xanh
Câu chuyện về Lâm Quang Nhật trước SEA Games 2017 ở Malaysia còn gây tốn bao giấy mực của giới truyền thông. Ở thời điểm đó, Nguyễn Huy Hoàng nổi lên là một trong VĐV bơi tiến bộ nhất. Bên cạnh đó, đàn em Nguyễn Hữu Kim Sơn cũng gây chú ý không kém, tạo ra “sự cạnh tranh ngầm” ở nội dung 1.500m tự do.
Để chọn hai VĐV dự SEA Games 2017, ban huấn luyện tuyển bơi quốc gia tổ chức buổi bơi kiểm tra thành tích. Tuy nhiên, khi đó, Lâm Quang Nhật đã bất ngờ từ chối tham dự buổi kiểm tra thành tích này, tạo nên “địa chấn” về việc chàng trai vàng “buông” suất đến Malaysia bảo vệ tấm huy chương vàng bơi 1.500m hai kỳ SEA Games trước đó. Tuy nhiên, Lâm Quang Nhật vẫn được chọn dù vắng mặt ở buổi bơi kiểm tra đó.
Tại SEA Games 2017, Lâm Quang Nhật giành huy chương bạc, sau đàn em Nguyễn Huy Hoàng, người sau này trở thành một trong những VĐV bơi lội thành công nhất tại SEA Games 30 ở Philippines vừa qua. Mối quan hệ của Nhật và Hoàng rất tốt đẹp khi hai anh chàng “hoy boy” của đường đua xanh Việt Nam vẫn hết sức thân thiết.
Lâm Quang Nhật chia tay đường bơi và bắt đầu chuyển sang chơi 3 môn phối hợp (bơi-đạp-chạy) từ năm 2018. “Nếu ai đó hỏi, thử thách lớn nhất của một vận động viên bơi khi chuyển sang 3 môn là gì, thì câu trả lời chắc chắn là chạy. Cá nhân tôi còn trải qua chuyện đó khó khăn hơn khi rời khỏi đội tuyển quốc gia với chấn thương cột sống và một tương lai khá mịt mờ…” - Lâm Quang Nhật nói về khó khăn khi chuyển hướng chơi triathlon.
Năm 2019, tại cuộc thi Ironman 70.3 Vietnam ở Đà Nẵng, Nhật mới chỉ chơi tiếp sức (bơi, hai đồng đội khác đạp xe và chạy), nhưng đến tháng 11 thì anh chàng này đã chơi solo tại giải Sunset Bay Triathlon ở Tuần Châu (Quảng Ninh) và giành giải nhất đơn nam.
Đó là cuộc tập dưới cuối cùng của Nhật và 7 đồng đội khác trước khi sang Philippines dự SEA Games 30. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đội tuyển tham dự môn triathlon ở đấu trường Đông Nam Á. Dù khó có cử đọ lại các VĐV mạnh trong khu vực như Philippines, Singapre hay Malaysia… nhưng màn ra mắt của Nhật và các đồng đội ở SEA Games cũng khá ấn tượng, kết thúc với một tấm huy chương đồng duathlon (chạy-đạp xe-chạy) của Nguyễn Thị Phương Trinh.
“Thành quả lớn nhất tính đến hôm nay có lẽ là việc được đại diện Việt Nam thi đấu 3 môn phối hợp tại SEA Games 2019. Tôi quay lại sân chơi quen thuộc, quên đi mình đã là ai để bước những bước đầu trên một con đường mới. Như các đồng đội khác, tôi thoáng chút lo lắng và ngỡ ngàng vì bộ môn này mình đi sau nước bạn nhiều quá. Chúng ta năm đầu ra quân, đối đầu với một Philipines gần 30 năm, một Thái Lan 21 năm và một Indonesia đang được đầu tư mạnh mẽ. Nhưng rồi cả đội vẫn rất lạc quan, với sự quyết tâm và niềm phấn khích của những tay chơi “không có gì để mất” - Nhật chia sẻ.
HLV bơi “phủi” và mục tiêu mới cho môn triathlon
Hiện tại, Lâm Quang Nhật là một VĐV tự do. Công việc chính của anh là làm huấn luyện viên bơi lội và tập trung nâng cao thành tích ở môn triathlon. Cùng với đồng đội như đàn chị Phạm Thúy Vi (kiện tướng bơi và tuyển thủ dự SEA Games 30), Lâm Quang Nhật tham gia huấn luyện các lớp bơi “phủi” cho những cá nhân và tập thể có nhu cầu học bơi.
Tại sự kiện VNG-BDC Super League 5150 cuối tháng 8 vừa qua - một cuộc thi nội bộ nhỏ do tập đoàn VNG và CLB Bơi Đạp Chạy mà Nhật đang sinh hoạt cũng như tham gia huấn luyện các thành viên - tổ chức, Lâm Quang Nhật cũng tham dự với tư cách là một VĐV.
Tại cuộc thi này, Lâm Quang Nhật đã hoàn thành cự ly chuẩn Olympic gồm: bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy 10km với thời gian 2 giờ 12 phút 17 giây. Đây là kỷ lục cá nhân mới của chàng trai sinh năm 1997 này ở cự ly Olympic.
Lâm Quang Nhật chia sẻ: “2 giờ 12 phút là kỷ lục cá nhân mới của tôi trong giải đấu 3 môn phối hợp VNG và Bơi Đạp Chạy Super League ngày 30 tháng 8 vừa rồi. Tôi đã nhanh hơn thành tích cũ 10 phút, chủ yếu nhờ đạp và chạy đã tiến bộ nhiều hơn.
Những ngày đầu tập chạy thực sự ám ảnh. Phần lưng vẫn còn yếu, phần cơ chân chưa làm quen với việc chạy nhiều nên cứ tăng cường độ là cơ thể sẽ oằn lên báo động. Việc chịu đau với một vận động viên chuyên nghiệp là rất bình thường, điều làm tôi áy náy, đắn đo thậm chí muốn bỏ cuộc là đồng đội sẽ nghĩ tôi không cố gắng. Chả ai đi chạy một ngày sau đó phải nghỉ 4 hôm vì chấn thương cả.
Nhưng nhờ có các anh chị lớn, các đồng đội nhiệt thành, những người luôn có mặt đúng lúc để động viên, chia sẻ, tôi đã vượt qua những ngày đầu khó khăn đó. Tôi luôn thấy mình may mắn khi được học tập và rèn luyện trong một cộng đồng năng động, văn minh, luôn luôn tiến về phía trước. 3 môn phối hợp đã giúp tôi làm quen nhiều hơn với công nghệ, từ việc sử dụng đồng hồ, đo nhịp tim đến cân chỉnh xe đạp, tính toán power… Tôi học thêm tiếng Anh và kỹ năng mềm để có thể hợp tác với các HLV nước ngoài, tiếp cận với các giáo án hiện đại nhất
Cuộc sống luôn là như vậy, nếu không dũng cảm tiên phong thì làm sao chúng ta có những khúc ca khải hoàn? 5 năm vừa qua tôi đã có những thay đổi thực sự táo bạo và tôi tin là mình sẽ không hối tiếc một khi đã dấn thân. Còn bạn thì sao? Bạn đã thay đổi như thế nào? Hãy cho chúng tôi được nghe câu chuyện của bạn nhé”…