Năm 1890, bác sĩ Henryk Jordan mang về Ba Lan một môn thể thao mới được gọi là bóng đá. Bốn năm sau, trận bóng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Ba Lan diễn ra với chỉ vỏn vẹn 6 phút.
9 năm sau, câu lạc bộ bóng đá đầu tiên của Ba Lan là Lechia Lwów được thành lập bởi một nhóm sinh viên. Đến ngày 20/12/1919, Liên đoàn bóng đá Ba Lan (Polski Związek Piłki Nożnej, PZPN) chính thức được ra đời tại Kraków, đặt nền móng cho sự phát triển và thành công sau này của bóng đá Ba Lan mà thành tích tiêu biểu nhất là 2 lần đoạt huy chương đồng World Cup vào năm 1974 và 1982.
Bóng đá xuất hiện ở Ba Lan nhờ... bác sĩ phụ khoa
Cho đến tận bây giờ, bác sĩ Henryk Jordan vẫn được xem là người đầu tiên có công đưa bóng đá về Ba Lan. Trên thực tế, công việc chính của ông Jordan là một bác sĩ phụ khoa. Tuy nhiên, ông cũng rất quan tâm đến việc giáo dục thể chất cho người dân Ba Lan. Chính ông là người đi tiên phong trong việc đưa giáo dục thể chất trở thành môn học bắt buộc tại tất cả các trường học ở Ba Lan.
Nhưng thành tựu lớn nhất của Henryk Jordan làm cho nền thể dục thể thao nước nhà phải là việc ông cho xây dựng một công viên thể thao trong công viên lớn Błonia ở thành phố Kraków để thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao tại Ba Lan, trong đó có môn bóng đá.
Sau này, Chủ tịch đầu tiên của LĐBĐ Ba Lan (PZPN) cũng là một bác sỹ phụ khoa, ông Edward Cetnarowski, một trợ lý của bác sĩ Henryk Jordan và cũng là một trong những người tham gia sáng lập PZPN.
Theo như các tư liệu còn sót lại trong phòng truyền thống của câu lạc bộ Lechia Lwów thì bác sĩ Jordan mang bóng đá về Ba Lan sau một chuyến đi đến Braunschweig vào năm 1890. Tuy nhiên, cũng có một số nguồn tin khác nói rằng Tiến sĩ Edmund Cenar mới chính là người đầu tiên đưa môn bóng đá đến với người dân Ba Lan.
Trận đầu tiên kéo dài... 6 phút
Ngày 14/07/1894, một trận bóng đã diễn ra với sự tham gia các thành viên của Hiệp hội Sokół (tổ chức tiên phong trong việc thúc đẩy phong trào thể dục thể thao tại Ba Lan ra đời vào năm 1867) ở Lwów và Kraków.
Cuộc so tài này chỉ kéo dài đúng 6 phút và thực tế thì các cầu thủ tham dự cũng chỉ thi đấu vì tò mò với môn thể thao mới chứ không ai nghĩ rằng đây lại là trận đấu đầu tiên trong lịch sử của môn thể thao hiện đang được yêu thích nhất tại Ba Lan.
Cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất trong trận đấu này để mang lại chiến thắng cho đội Lwów là Włodzimierz Chomicki sau đó cũng trở thành tượng đài của bóng đá Ba Lan và cả bóng đá Ukraine (từ năm 1991, Lwów trở thành một phần lãnh thổ của Ukraine).
Trong một cuộc họp được diễn ra vào ngày 18/05/199, các thành viên của LĐBĐ Ukraine đã thống nhất lấy ngày 14/07 hàng năm được chọn là ngày khởi đầu cho bóng đá Ukraine.
Riêng tại ngôi mộ của Włodzimierz Chomicki ở nghĩa trang thành phố Chocianów, những người đứng đầu của đội bóng địa phương Stal Chocianów còn kính cẩn đặt một tấm bia tưởng niệm bằng đồng khắc dòng chữ: "Ngày 14/07/1984, trận đấu bóng đá chính thức đầu tiên ở Ba Lan được tổ chức tại sân vận động Lwów giữa hai đội bóng Lwów và Kraków. Cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất và cũng là bàn thắng đầu tiên trong lịch sử bóng đá Ba Lan là Włodzimierz Chomicki".
Kể từ sau trận đấu này, bóng đá ngày càng phát triển phổ biến tại Ba Lan với thành phần người chơi chủ yếu là học sinh, sinh viên.
Năm 1903, câu lạc bộ bóng đá đầu tiên của Ba Lan là Lechia Lwów cũng được thành lập bởi một nhóm sinh viên, mở đầu cho sự ra đời của một loạt câu lạc bộ tại Ba Lan như Czarni Lwów (1903), Pogoń Lwów (1904, KS Cracovia (1906) hay Wisła Kraków (1906).
Bóng đá Ba Lan thời chiến tranh
Trong giai đoạn phát triển đầu tiên, bóng đá Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang, tiêu biểu là việc hầu hết các cầu thủ bóng đá tại Ba Lan đều phải gia nhập quân đội trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất (1914-1918).
Chỉ đến khi Ba Lan giành được độc lập vào năm thì Liên đoàn bóng đá của nước này (PZPN) mới được thành lập vào năm 1919.
Nhưng ngay sau đó, Ba Lan lại lao vào cuộc chiến kéo dài hơn 2 năm với Liên Xô cũ (1919-1921) khiến sự ra đời của giải bóng đá vô địch quốc gia cũng vì thế mà phải hoãn lại.
Sau đó, một loạt các giải đấu được tổ chức trên khắp cả nước để chọn ra đội vô địch trong khoảng thời gian 1921-1926, trước khi các đội bóng ngồi lại với nhau để thống nhất về việc tổ chức một giải đấu chính thức dành cho tất cả các câu lạc bộ tại Ba Lan.
Đáng chú ý, đại diện của PZPN đã phản đối ý tưởng thành lập giải VĐQG, nhưng không thành công do các đội bóng nhận được sự chống lưng của một số nhân vật có tiếng nói trong quân đội Ba Lan.
Giải đấu chính thức khởi tranh vào ngày 03/04/1927. 14 đội bóng lớn tại Ba Lan vào thời điểm ấy đều thạm dự. Trớ trêu thay, câu lạc bộ duy nhất tẩy chay giải đấu lại chính nhà vô địch đầu tiên của bóng đá Ba Lan, KS Cracovia Krakow. Sở dĩ có chuyện này bởi Chủ tịch của Cracovia lại là Edward Cetnarowski, Chủ tịch của PZPN. Chính vì thế, KS Cracovia Krakow chỉ đồng ý gia nhập giải đấu vào năm... 1928.
Tính đến nay, giải VĐQG Ba Lan đã trải qua lịch sử 96 năm với hai câu lạc bộ giàu thành nhất là Górnik Zabrze và Wisła Kraków, cùng sở hữu 14 chức vô địch.
Trong thời gian diễn ra Thế chiến thứ Hai, đất nước Ba Lan bị xẻ làm đôi, phía Tây bị chiếm đóng bởi Đức, phía Đông chịu sự quản lý của Liên Xô cũ. Trong đó, Liên Xô cũ lại cho phép các cầu thủ bóng đá Ba Lan tiếp tục thi đấu dưới màu áo của các đội bóng Xô Viết thay thế cho các đội bóng Ba Lan bị buộc phải đóng cửa.
Ngược lại, Đức cấm hoạt động bóng đá ở tất cả các khu vực thuộc miền Tây Ba Lan, ngoại trừ Upper Silesia biên giới tự nhiên giữa Ba Lan-Đức và cũng chính là quê hương của huyền thoại Ernst Wilimowski, người đã thi đấu cho cả hai đội tuyển quốc gia Ba Lan và Đức.
Tuy nhiên, các đội bóng tại Upper Silesia cũng phải đổi tên sang tiếng Đức cho vừa ý của chính quyền Hitler.
Đỉnh cao của bóng đá Ba Lan
Hai năm sau ngày thành lập, đội tuyển quốc gia Ba Lan có trận đấu quốc tế đầu tiên tại Budapest vào ngày 18/12/1921. Chung cuộc, đội chủ nhà Hungary giành chiến thắng tổi thiểu với tỷ số 1-0.
Đến ngày 28/05/1922, "Đại bàng trắng" có chiến thắng đầu tiên trên trường quốc tế khi hạ gục Thụy Điển ngay tại Stockholm với tỷ số 2-1.
15 năm sau, Ba Lan lần đầu giành quyền tham dự World Cup sau khi đánh bại Nam Tư cũ trong cả 2 trận đấu lượt đi và lượt về ở vòng loại World Cup 1938.
Tuy nhiên, tất cả những gì mà Ba Lan có thể làm được tại giải đấu năm ấy trên đất Pháp cũng chỉ là một trận thua lịch 5-6 trước đội tuyển Brazil, trong một trận đấu mà huyền thoại Ernst Wilimowski đã ghi đến 4 bàn thắng để thiết lập kỷ lục cầu thủ đầu tiên ghi bàn trong một trận đấu tại World Cup.
Trong khoảng 30 năm tiếp theo, bóng đá Ba Lan không sản sinh ra thêm một nhân tài nào đủ sức đưa "Đại bàng trắng" giành được vinh quang tại các giải đấu lớn cho đến khi Grzegorz Lato bước ra từ bóng tối.
Thật vậy, Lato vẫn được coi là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Ba Lan. Chính ông chứ không phải ai khác là người góp công lớn giúp đội tuyển Ba Lan đạt được 3 thành tích lớn nhất trong lịch sử bóng đá nước này là huy chương vàng Olympic 1972, huy chương đồng hai kỳ World Cup 1974 và 1982.
Riêng cá nhân Grzegorz Lato cũng đoạt danh hiệu "Vua phá lưới" World Cup 1974 với 7 bàn thắng và trở thành cầu thủ duy nhất của bóng đá Ba Lan làm được điều này từ trước đến nay.
Sau thế hệ của Grzegorz Latom và Zbigniew Bonieks, đội tuyển Ba Lan rơi vào không thể sản sinh ra thêm một tài năng nổi trội nào nữa. Hệ quả là "Đại bàng trắng" vắng mặt tại mọi giải đấu quốc tế cho đến khi cặp tiền đạo Wojciech Kowalczyk-Andrzej Juskowiak nổi lên như những tài năng sáng giá giúp đội tuyển Ba Lan giành huy chương bạc Olympic 1992 và ... "tắt ngấm".
Kể từ năm 2002, Ba Lan liên tục giành quyền tham dự các giải đấu lớn là World Cup 2002, World Cup 2006, EURO 2008, EURO 2012 và bây giờ là EURO 2016. Mặc dù vậy, chưa bao giờ "Đại bàng trắng" được đánh giá cao như ngày xưa nữa.
Thậm chí, nền bóng đá Ba Lan còn từng rúng động với bê bối tham nhũng bị phanh phui vào năm 2005. Hơn 200 người, trong đó có hàng loạt quan chức cấp cao của PZPN đã bị bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ, dàn xếp tỷ số các trận đấu tại giải VĐQG của nước này.
Nghiêm trọng hơn nữa là cơ sở tập luyện tại Ba Lan cũng xuống cấp khiến các cậu bé không còn hứng thú với môn thể thao vua nữa. Tính đến tận đầu những 2000, một số đội bóng tại giải VĐQG Ba Lan thậm chí còn không có nổi sân tập riêng.
Hệ quả là số lượng người chơi bóng tại Ba Lan ngày một giảm đi. Bởi vậy, không có gì lạ khi bóng đá Ba Lan vẫn mãi chưa thể tìm lại ánh hào quang xưa.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu được cải thiện khi Ba Lan giành quyền đăng cai EURO 2012 vào năm 2007. Không lâu sau, dự án Orlik được triển khai với mục tiêu thúc đẩy phong trào tập luyện bóng đá trên toàn quốc.
Các sân bóng, các khu liên hợp thể thao mọc lên khắp đất nước Ba Lan. Cùng với đó là số lượng người chơi bóng đá tăng vọt với hàng loạt đội bóng nghiệp dư dược thành lập.
Chính vì thế, dù có thất bại trong lần đầu tiên được đăng cai EURO 2012 thì người dân Ba Lan vẫn có quyền hy vọng về một thế hệ vàng mới của bóng đá nước nhà.
Nếu năm nay Robert Lewandowski và các đồng đội giành kết quả cao tại EURO 2016 thì đó sẽ là động lực thúc đẩy tình yêu bóng đá cho nhiều cậu bé nữa ở quê nhà. Khi đó, việc bóng đá Ba Lan tìm lại ánh hào quang xưa trên đấu trường quốc tế có lẽ cũng chỉ là vấn đề thời gian.