Triệu tập Mario Gomez cho EURO 2016 nhưng HLV Joachim Loew vẫn không hết đau đầu khi phải lựa chọn giữa việc sử dụng “số 9 ảo” hay ‘trung phong thật”.
Sau khi Miroslav Klose từ giã sự nghiệp quốc tế, đội tuyển Đức đã trải qua hơn một năm sử dụng số 9 ảo, hoặc với Mario Goetze, hoặc với Thomas Mueller. Chính xác hơn, chỉ có Goetze mới thực sự là một “số 9 ảo” bởi Mueller được biết đến trong vai trò “Raumdeuter” - một tiền đạo cánh di chuyển rộng vào phía trong.
Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi khi Đức gặp khó khăn về ghi bàn ở vòng loại EURO 2016. HLV Loew quyết định triệu tập Mario Gomez, người vào thời điểm ấy bắt đầu tìm lại được phong độ tốt nhất cùng Besiktas. Gomez có bản năng “săn mồi” mạnh mẽ, điều được chứng minh qua 138 bàn thắng sau 236 trận tại Bundesliga cũng như 26 bàn trong 62 lần ra sân cùng đội tuyển.
Chắc chắn, tiền đạo cao 1m89 này không phải là cầu thủ có phẩm chất kỹ thuật tốt nhất, nhưng với thể hình to lớn của mình, Gomez có thể hữu ích trong các tình huống tranh chấp trong vòng cấm. Anh cũng là một mối đe dọa về khả năng săn bàn thông qua các pha không chiến. Thế mạnh ấy đã được chân sút 30 tuổi này thể hiện ở trận giao hữu thua Anh 2-3 hồi tháng 3 khi anh nâng tỷ số lên 2-0 bằng một cú đánh đầu tuyệt đẹp.
Vậy tại sao Loew nên trao vị trí trung phong thực thụ cho Gomez tại EURO 2016? Câu trả lời nằm ở 26 bàn thắng trong 33 lần ra sân của tiền đạo này với Besiktas tại giải Super Lig.
Tính trung bình anh cần 116 phút để ghi một bàn, tốt hơn Mueller (119 phút). Xét về khả năng chuyển đổi cơ hội, Gomez ngang bằng với Mueller, đạt 27%, trong khi Goetze là 24% và cần 200 phút cho mỗi bàn. Cũng không quên rằng, tại EURO 2012, Gomez là chân sút hàng đầu của Die Mannschaft với 3 bàn thắng.
Dù được xếp chơi bên cạnh Gomez hay ở một vị trí khác, Mueller cũng đều có thể là một giải pháp thuyết phục nếu căn cứ vào thành tích phi thường trong mùa giải vừa qua cả ở CLB lẫn đội tuyển. Mueller đã ghi 32 bàn thắng sau 49 trận chính thức và có 9 bàn trong 9 trận vòng loại EURO 2016. Không chỉ ghi bàn, Mueller còn có thế mạnh về hỗ trợ, bất kể khi chơi tiền đạo hay đá cánh. 10 pha kiến tạo trong mùa giải vừa qua nhiều hơn đáng kể so với Gomez (5) hay Goetze (4).
Đem so sánh về sự tác động vào lối chơi, Mueller và Goetze chiếm ưu thế hơn Gomez. Điều này dễ hiểu khi cả hai di chuyển rộng hơn, với trung bình lần lượt là 68 và 66 lần chạm bóng mỗi 90 phút tại vòng loại EURO 2016. Ngược lại, Gomez chủ yếu hoạt động quanh vòng cấm nên chỉ có 34 lần chạm bóng mỗi trận.
Nếu Loew cần một mẫu tiền đạo chuyền bóng tốt, ông có thể chọn Goetze, người đạt độ chính xác lên tới 89% ở vòng loại EURO 2016. Điều ngạc nhiên là Mueller chỉ đạt 78%, thấp nhất đội hình của Đức. Trong khi đó, Gomez thực hiện thành công 70% số đường chuyền tại Besiktas.
Câu hỏi đặt ra là liệu HLV Loew có thể kết hợp cả ba cầu thủ nói trên trong đội hình xuất phát? Trước đó, Mueller, Goetze và Gomez từng hai lần chơi cùng nhau ở trận thắng Brazil 3-2 hồi tháng 8/2011 và thắng Thổ Nhĩ Kỳ 3-1 tháng 10/2011 khi Mueller hoạt động bên cánh phải, Goetze hoạt động phía sau Gomez.
Sự kết hợp này là không thể bỏ qua nếu biết rằng Loew đã ưu ái Goetze thế nào thông qua việc sử dụng 9 trong 10 trận vòng loại và chỉ có Mueller ghi được nhiều bàn thắng hơn anh (3).