Theo các nhà nghiên cứu tại Học viện Quản lý chiến lược và Marketing IPAM, việc Bồ Đào Nha lên ngôi tại EURO 2016 có thể giúp cho đất nước này có được một khoản doanh thu lên tới 600 triệu euro.
Các tài liệu của IPAM chỉ ra rằng, việc các học trò HLV Fernando Santos góp mặt tại Pháp giúp cho nền kinh tế nước này thu về 438 triệu euro.
“Kể cả không thể tiến sâu tại EURO 2016, sự hiện diện của Bồ Đào Nha tại giải đấu cũng tác động mạnh tới nền kinh tế đất nước. Cụ thể, Bồ Đào Nha được hưởng các khoản doanh thu như 110 triệu euro trong quá trình tập huấn và 167 triệu euro trong quá ĐTQG chơi tại vòng bảng. Chức vô địch tại Pháp được kỳ vọng sẽ giúp Bồ Đào Nha thu về thêm khoảng 160 triệu euro”, các nhà nghiên cứu của IPAM cho biết.
Cũng theo IPAM, khoản doanh thu đến từ các hoạt động của các hiệp hội thể thao, đơn vị quảng cáo, cơ quan truyền thông, dịch vụ, giao thông - vận tải, khách sạn, quán cà phê, nhà hàng, an ninh, vệ sinh, cảnh sát, công ty cá cược, báo chí, các kênh truyền hình, đài phát thanh, trạm xăng, các thương hiệu thể thao, bia, siêu thị, giao hàng thực phẩm tại nhà, thuốc lá, công ty du lịch và rất nhiều lĩnh vực khác.
Theo nhà kinh tế Joao Duqe, việc tiêu thụ các loại đồ uống, đặc biệt là bia, sẽ mang lại nguồn doanh thu lớn nhất ở thời điểm này.
"Đối với các nhà sản xuất bia trên toàn thế giới, sẽ tốt hơn nếu như trận chung kết là màn so tài giữa Đức và Pháp, thay vì Bồ Đào Nha và Pháp. Tuy nhiên, việc góp mặt trong trận đấu cuối cùng đã giúp cho Bồ Đào Nha được nhớ đến nhiều hơn trong tâm trí mọi người. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh các thương hiệu của Bồ Đào Nha lên một tầm cao mới."
Dù không đưa ra con số cụ thể, Unicer, hãng bia nổi tiếng nhất tại Bồ Đào Nha, cho biết, thời điểm diễn ra các sự kiện lớn như EURO hay World Cup là cơ hội tốt nhất để bán hàng.
"Trong giai đoạn này, mọi người thường có xu hướng tụ tập tại các hàng quán cùng bạn bè, thay vì ở nhà. Doanh thu ở kênh bán hàng của chúng tôi thường tăng đột biến trong mỗi dịp EURO hay World Cup do Carlsberg luôn được chọn làm loại bia chính thức".
Việc giành được chức vô địch EURO là một tín hiệu đáng mừng về kinh tế với đất nước Nam Âu.
Tuy nhiên, đó là niềm vui ngắn hạn khi Bồ Đào Nha đang phải đối mặt với thách thức trong tương lai. Bộ trưởng Tài chính của toàn bộ 28 nước thành viên EU đang đề ra một chế tài xử phạt đối với các quốc gia thành viên có mức thâm hụt ngân sách lớn hơn giới hạn 3% GDP do EU đề ra. Trong năm 2015, mức thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha là 4,4% GDP.
Bồ Đào Nha là đội bóng đứng đầu về khoản tiền thưởng được nhận tại EURO 2016 với 25,5 triệu euro. Trong đó, mỗi cầu thủ sẽ được Liên đoàn bóng đá nước này thưởng nóng 250.000 euro.
Các đội xếp sau lần lượt là Pháp (23,5 triệu euro), Đức (18,5 triệu), xứ Wales (18 triệu) và Iceland (14 triệu). Khoản tiền thưởng này phụ thuộc vào thành tích cũng như lượng người xem các trận đấu mà các đội tuyển góp mặt. Mỗi đội tham dự EURO đều được thưởng ít nhất 8 triệu euro.