Cảnh báo Olympic Tokyo 2021 khả năng nóng đến... phát sợ

Nguyễn Nhanh
thứ tư 21-7-2021 20:06:00 +07:00 0 bình luận
Olympic Tokyo 2021 nhiều khả năng sẽ là kỳ Thế vận hội nóng bức nhất trong lịch sử, điều khiến cho một loạt môn thi đấu ngoài trời bị ảnh hưởng đáng kể.

Không hẳn đến khi Olympic Tokyo 2021 khai mạc vào thứ Sáu tuần này, các VĐV có lẽ đã sớm nhận ra rằng họ đang tập luyện và sẽ thi đấu trong 2 tuần cuối tháng 7 đầu tháng 8 nằm chính giữa mùa hè nước Nhật, thời điểm nóng nhất ở quốc gia này với nhiệt độ trung bình dao động ở mức 30 độ C và độ ẩm rất cao. 

BTC Thế vận hội lần này từng đề cập tới khả năng "thời tiết ôn hòa" trong tháng 7 và 8 ở các địa điểm thi đấu sẽ mang đến điều kiện lý tưởng nhất để các VĐV tranh tài. Tuy vậy, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) chưa bao giờ nghĩ như vậy.

Olympic Tokyo 2021 có thể là kỳ Thế vận hội nóng bậc nhất lịch sử

Hồi năm 2019 IOC đã gây áp lực lên BTC để chuyển nội dung thi đấu marathon và đi bộ tới địa điểm mát mẻ hơn đó là Sapporo, ngược lên phía Bắc cách thủ đô Tokyo khoảng 750 km.

Thực tế người Nhật hiểu rõ hơn ai hết về cái nóng ẩm khó chịu trong mùa hè ở quốc gia này. Còn nhớ, ở Thế vận hội Tokyo 1964, Ban tổ chức đã "biến" Olympic mùa hè thành "Olympic mùa thu" khi dời sự kiện sang tận trung tuần tháng 10.

Nhưng lần này cuộc dịch chuyển trốn tránh cái nóng như vậy là không thể, đặc biệt khi dịch Covid-19 hoành hành đã khiến Thế vận hội lần đầu tiên trong lịch sử phải lùi ngày khai mạc 1 năm và đến giờ vẫn chịu sức ép phải hủy bỏ (hoặc cắt ngắn) vì dịch bệnh.

Những gì tốt nhất BTC có thể làm nhằm "hạ nhiệt", bảo vệ cho các VĐV, đó là bố trí quạt phun sương ở địa điểm thi đấu ngoài trời, lều mát để nghỉ ngơi, hay thậm chí cung cấp kem cho cả những tình nguyện viên. Nhưng liệu như vậy đã đủ? 

Tay vợt Andy Murray cởi trần tập luyện giữa nắng nóng mùa hè ở Tokyo

Với nhiệt độ ở những giờ cao điểm ban ngày ở ngưỡng 31-32 độ C những ngày qua, Bộ Môi trường Nhật Bản đã phải cảnh báo người dân tránh/hoặc không tập thể dục ngoài trời, đặc biệt không tập nặng.

Riêng chiều qua thứ Ba 20/7, cơ quan này thông báo "nhiệt độ cầu ướt" (WBGT) - công cụ đo thời tiết bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, bức xạ mặt trời... nhằm chỉ ra mức độ nhiệt mà cơ thể con người đang phải chịu đựng - ở ngưỡng 31,8 độ C.

Đây được coi là "cảnh báo nguy hiểm", bởi Bộ Môi trường Nhật bản thường khuyến cáo dừng các họa động thể thao khi chỉ số WGBT vượt quá 31 độ C.

Còn nhớ, năm ngoái, cũng trong giai đoạn cuối tháng 7 đầu tháng 8 chính cơ quan này còn đưa "Khuyến cáo với 13 hoạt động thể chất không nên thực hiện dưới trời nóng".

Cũng trong giai đoạn mùa hè năm 2020 miền Trung Nhật Bản ghi nhận mức nhiệt kỷ lục lên tới 41,2 độ C, điều góp phần khiến 65.000 người phải yêu cầu trợ giúp y tế và 118 người đã chết.

Tất nhiên, với các VĐV đỉnh cao tranh tài tại Olympic, họ có sức bền, thể lực và khả năng thích nghi các kiểu thời tiết tốt hơn đa số người thường. Thậm chí, có VĐV còn thấy "dễ chịu" với thời tiết nóng, như Gail Devers. 

"Tôi thích trời nóng, bởi trời nóng cũng giúp các nhóm cơ của tôi dễ và nhanh được làm nóng hơn", chân chạy 100m và 100m rào của ĐT Điền kinh Mỹ chia sẻ.

Nhưng dù thế nào đi nữa, thời tiết nóng ẩm trong cao điểm mùa hè Nhật Bản 2 tuần tới đây vẫn sẽ là thách thức với tất cả.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm