Cả Pháp và Argentina đều đã trải qua rất nhiều loạt đá luân lưu 11m ở các vòng knock-out World Cup. Vậy khi 2 chuyên gia này đối mặt tối nay, đội nào sẽ giành lợi thế nếu cần tới loạt đấu súng 11m?
Lịch sử World Cup đã chứng kiến 25 trận đấu tại vòng đấu loại trực tiếp phải phân định thắng thua trên chấm luân lưu 11m.
Trong đó, 7 trận diễn ra tại vòng 16 đội, 11 trận ở vòng Tứ kết, 5 trận ở vòng Bán kết và 2 trận là chung kết (Brazil - Italia năm 1994 và Pháp - Italia năm 2006).
Tổng cộng 167 bàn thắng đã được ghi sau 233 cú sút, đạt tỷ lệ chuyển hóa 71,67%.
World Cup 2006 là lần gần nhất một trận chung kết phải giải quyết trên chấm phạt đền
Đáng chú ý, Argentina chính là đội bóng phải trải qua nhiều cuộc đấu súng cân não nhất tại World Cup với tổng cộng 5 lần tham gia và 4 lần giành chiến thắng. Pháp, Đức, Brazil và Italia xếp ngay phía sau với cùng 4 lần phải đá luân lưu.
Như vậy, cả Argentina lẫn Pháp đều được xếp vào hàng chuyên gia đá phạt đền ở World Cup. Nhưng khi họ đối mặt tối nay chuyên gia sút phạt đền nào sẽ chiếm ưu thế?
Argentina và Pháp là 2 đội tuyển phái đá phạt đền nhiều nhất ở World Cup (click chuột vào ảnh để phóng to)
Không chỉ có số trận giành chiến thắng ở chấm phạt đền cao hơn, người Argentina còn được đánh giá cao hơn người Pháp bởi mà tính chất quan trọng của những trận đấu mà họ có được niềm vui cuối cùng.
Đội bóng Nam Mỹ có 1 chiến thắng ở vòng Tứ kết (1990), 1 chiến thắng ở vòng 1/8 (1998) và 2 chiến thắng ở vòng Bán kết, đó là các chiến thắng 4-3 trước Italia ở World Cup 1990 và chiến thắng 4-2 trước Hà Lan ở World Cup 2014.
Thành tích đá phạt đền của Argentina và Pháp ở sân chơi World Cup (click chuột vào ảnh để phóng to)
Trong khi đó, người Pháp có 2 chiến thắng ở vòng tứ kết năm 1986 và 1998, nhưng lại thất bại ở bán kết năm 1982 và quan trọng nhất là chung kết năm 2006, lần gần nhất "Những chú gà trống Gaulois" đi đến trận đấu cuối cùng.
Xét về tỷ lệ chuyển hóa cú sút thành bàn, đội tuyển Argentina cũng nhỉnh hơn với 17 lần thành công trong tổng số 22 cú sút được thực hiện (77,27%).
Tỷ lệ này của Tuyển Pháp là 75%, ghi 15 bàn sau 20 cú sút với thất bại gần nhất thuộc về David Trezeguet ở chung kết World Cup 2006.
David Trezeguet sút hỏng phạt đền khiến đội tuyển Pháp đánh mất chức vô địch World CUp 2006
Ở tỷ lệ cản phá phạt đền, Argentina đã phải đối mặt với 23 cú sút phạt đền và chỉ thủng lưới 14 lần. Trong đó, thủ môn Sergio Goycochea là nhân vật nổi bật nhất khi cản phá đến 4/10 cú sút phạt đền phải đối mặt ở Tứ kết và Bán kết World Cup 1990.
Đội tuyển Argentina đã thắng 4/5 trận đấu ở World Cup phải phân đinh thắng thua bằng loạt sút luân lưu cân não. Trong khi đó, Tuyển Pháp chỉ thắng 2 và thua 2 trong 4 lần phải "đấu súng" ở giải vô địch thế giới.
Thủ môn Sergio Goycochea (Argentina) ăn mừng sau khi cản phá thành công cú sút phạt đền của Roberto Donadoni (Italia) ở bán kết World Cup 1990
Sau Goycochea, 2 danh thủ khác là Carlos Roa và Sergio Romero tiếp tục chứng minh cho cả thế giới thấy Argentina đã sản sinh ra nhiều thủ môn bắt phạt đền giỏi như thế nào khi lần lượt cản phá 2 cú sút ở vòng 1/8 World Cup 2018 và 2 cú sút ở Bán kết World Cup 2014.
Người hùng Romero của đội tuyển Argentina 4 năm về trước đã không được tham dự World Cup 2018
Trong khi đó, người Pháp chỉ có 5 lần không thủng lưới trong tổng số 21 cú sút phải đối mặt, bao gồm 3 lần thủ môn cứu thua, 1 lần bóng đi trúng cột dọc và 1 lần bóng đi trúng xà ngang.
Tuy nhiên, những con số thống kê cũng chỉ mang tính tham khảo vì tất cả đều chỉ là quá khứ, và hiện tại thì lại khác xa.
Messi vừa sút hỏng phạt đền ở vòng bảng World Cup 2018
Không nói đâu xa, chính Lionel Messi mới sút hỏng phạt đền ở vòng bảng khiến đội tuyển Argentina đánh rơi 2 điểm trước Iceland và suýt chút nữa đã phải xách valy về nước ngay sau vòng bảng.
Trước đó, chính Messi cũng sút hỏng phạt đền ở chung kết Copa America 2016 khiến Argentina tiếp tục lỡ hẹn với một danh hiệu lớn, kể từ khi vô địch Copa America vào năm 1993.