Tranh cãi đã nổ ra sau chiến thắng Uruguay 2-0 của Bồ Đào Nha. FIFA không công nhận bàn mở tỷ số của Bồ Đào Nha cho Cristiano Ronaldo, mà Bruno Fernandes được tính là chủ nhân bàn thắng.
Những tấm ảnh chụp cận khoảnh khắc Ronaldo bật cao đánh đầu được lan truyền trên mạng xã hội sau đó, với hình ảnh zoom hết cỡ với… ít tóc của Ronaldo có tiếp xúc với bóng nhằm chứng minh CR7 đã chạm bóng trước khi bay vào khung thành Uruguay. LĐBĐ Bồ Đào Nha cũng khẳng định đã có bằng chứng chứng minh bàn thắng thuộc về Ronaldo. Về phần mình, Ronaldo cũng tin anh đã chạm bóng, thậm chí còn nhắn tin cho nhà báo thân thiết Pier Morgan để “khoe” mình đã ghi bàn.
Mới nhất, nguồn từ Adidas tiết lộ: “Trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay, sử dụng Công nghệ Kết nối Trái bóng có trong trái bóng chính thức Al Rihla, chúng tôi có thể chắc chắn không có pha chạm bóng nào từ Cristiano Ronaldo trong bàn mở tỷ số. Không có ngoại lực tác động lên quả bóng, và điều đó được chứng minh bằng tín hiệu phản hồi yếu từ cảm biến trong trái bóng”.
“Cảm biến IMU 500hz trong quả bóng cho phép đo có độ chính xác cao khi phân tích” - Adidas cũng công bố hình ảnh đo cảm biến trong trái bóng Al Rihla ở tình huống khi Bruno Fernandes chuyền và khi Ronaldo bật cao đánh đầu.
Cảm biến được áp dụng vào Al Rihla ban đầu được dùng để xác định một cầu thủ có việt vị hay không. Nhưng giờ, nó đang được dùng cho cuộc tranh cãi tìm kiếm ai mới là người ghi bàn.
Công nghệ trong trái bóng Al Rihla
Cảm biến đơn vị đo lường quán tính (IMU) - loại cảm biến dùng để phát hiện các chuyển động sắc thái của một vật thể trong không gian – được đặt bên trong quả bóng chính thức dùng tại World Cup 2022, và xử lý dữ liệu ở tần số 500Hz. Có nghĩa, độ trễ đầu vào của hệ thống sẽ thấp hơn tới 10 lần so với tần số 50Hz tiêu chuẩn, mọi dữ liệu thu được từ cảm ứng sẽ được xử lý nhanh chóng với tốc độ đo tất cả ngoại lực vào trái bóng lên tới 500 lần/giây mang đến sự chính xác với rất ít sai số và độ trễ.
Bất cứ khi nào trái bóng Al Rihla được tác động như đá, đánh đầu, ném hoặc kể cả chạm rất nhẹ, các cảm biến sẽ thu nhận và xử lý dữ liệu với tốc độ cực nhanh. Dữ liệu sau đó sẽ được gửi theo thời gian thực từ các cảm biến đến hệ thống định vị cục bộ (LPS), vốn bao gồm hàng loạt ăng-ten mạng được lắp đặt xung quanh sân vận động để nhận và lưu trữ dữ liệu tức thời.