Nếu bác sĩ đội tuyển Nga cho rằng, các cầu thủ chủ nhà bị kiểm tra doping nhiều... gấp 2 lần đội tuyển Anh, thì điều này chắc chắn bắt nguồn từ scandal doping đã vây bủa thể thao Nga những năm gần đây.
Theo bác sĩ Eduard Bezuglov, FIFA đã kiểm tra doping ở đội tuyển Nga tới 120 lần trong hai đợt tập trung trong năm nay, trong khi con số này ở UEFA và cơ quan chống doping Nga (Rusada) là 200 lần.
Nhiều VĐV, HLV ở nhiều môn thể thao tại Nga đã bị cáo buộc, tước huy chương vì dính líu đến doping
Thế nhưng, trong khi ông Bezuglov đưa ra những con số như vậy, FIFA đã từ chối tiết lộ cụ thể họ đã tiến hành kiểm tra doping bao nhiêu lần với đội tuyển Nga trước và trong World Cup 2018.
Còn theo ông Bezuglov, sau mỗi trận giao hữu và World Cup, luôn có 2 cầu thủ Nga phải lấy máu và nước tiểu để phân tích.
Cầu thủ Nga chạy nhiều ở trận gặp Saudi Arabia
Một điều đáng nói là tờ Telegraph của Anh đã thống kê được rằng, cầu thủ Nga đã chạy nhiều hơn bất cứ đội nào trong 2 trận đầu tiên của họ tại World Cup 2018, với 118 km ở trận đầu và 115 km ở trận thứ hai.
Ngay cả lão tướng như Zhirkov cũng cày ải ở 2 trận đầu và... chạy hùng hục
Và khó mà nói rằng, đấy là vì họ có sự chuẩn bị tốt, nhiều động lực và sự cổ vũ của người hâm mộ nên chạy được nhiều như thế. Do vậy, lời giải thích của ông Bezuglov không khỏi khiến tất cả hoài nghi, đặc biệt khi năm 2016, người ta đã phát hiện chương trình sử dụng doping được chính phủ Nga hậu thuẫn.
Chưa hết, mặc dù là đội bóng có thứ hạng thấp nhất từng tổ chức World Cup, Nga đã đánh bại Saudi Arabia 5-0 và Ai Cập 3-1, qua đó sớm lọt vào vòng knock-out.
CĐV đang đặc biệt phấn khích vì màn trình diễn bốc lửa của tuyển Nga tại World Cup năm nay
"Những trận đấu như vậy đòi hỏi có thêm các cuộc kiểm tra," Travis Tygart, Giám đốc điều hành Uỷ ban phòng chống doping Mỹ cho biết.
Liệu có hay không việc người Anh và báo chí Anh gợi lại chủ đề kiểm tra doping là nhằm vào Nga sau khi họ thất bại trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018? Nên nhớ rằng, Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) từng cấm Nga tham dự Olympic mùa đông 2018 hồi tháng 2 vừa qua vì doping và vì những vấn đề chính trị giữa phương Tây và Nga.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2015, khi hai vận động viên điền kinh của Nga tiết lộ những thông tin về điều mà người ta nghi ngờ bấy lâu nay, về sự hậu thuẫn của chính phủ nước này với "cách thức sử dụng doping lách luật" tại Olympic London 2012.
Khó mà nói rằng cầu thủ Nga không dùng doping?
Ngay sau đó là một bản báo cáo độc lập về doping tại Olympic mùa đông Sochi 2014. Và giờ, IOC buộc tội Nga tài trợ cho chương trình doping có liên quan đến hơn 1.000 vận động viên từ năm 2011.
Hệ quả là Nga bị cấm tham dự Olympic mùa đông tại PyeongChang, Hàn Quốc vào tháng 2-2018, mặc dù những vận động viên Nga chứng tỏ họ trong sạch có thể tham dự dưới lá cờ trung lập.
Nên nói thêm là văn hóa doping ở Nga và Liên Xô cũ có từ những năm 1960, thời mà thành công trong thể thao mang đến vinh quang và sự tự hào cho quốc gia. Từ năm 1968 đến năm 2017, các vận động viên của Nga đã bị tước 50 huy chương Olympic, trong đó có 1/3 trong số 33 huy chương họ giành được ở Olympic Sochi 2014 gần đây.