Những năm gần đây, thể dục thể thao là một trong những trọng tâm phát triển của ngành giáo dục các nước tiên tiến. Tuy nhiên, Mỹ vẫn được xem như một trong những quốc gia phát triển và đẩy mạnh thể thao học đường nhất thế giới. Nhờ vào việc chú trọng thể thao học đường, Mỹ đạt được nhiều thành tựu lớn từ chính các VĐV trẻ tuổi của các trường trung - đại học.
Ví dụ như tại Olympic London 2012, các trường học đã giúp đoàn thể thao Mỹ đoạt hơn 80 huy chương, đặc biệt là Đại học Southern California (USC) với 24 huy chương các loại. Đặc biệt, nữ sinh 17 tuổi Missy Franklin của Trường trung học Regis Jesuit đã đoạt 4 HCV và 1 HCB ở Olympic London. Còn tại Olympic Tokyo 2020, tất cả 613 VĐV của Mỹ có đến 463 người đang học hoặc đã tốt nghiệp tại 169 trường đại học, cao đẳng lẫn trung học trong nước.
Thành công của thể thao học đường tại Mỹ thường gắn liền với tổ chức mang tên NCAA. NCAA là tên viết tắt từ tiếng Anh của Hiệp hội Vận động viên Học đường Quốc gia Mỹ (National Collegiate Athletic Association - NCAA). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các vận động viên (VĐV) là sinh viên của 1.268 đại học, cao đẳng, trường phổ thông trên toàn Bắc Mỹ, kể cả Mỹ và Canada, nhưng chủ yếu là tại Mỹ. Chính NCAA là đơn vị tổ chức các hoạt động thi đấu thể thao học đường lớn trên toàn nước Mỹ trong rất nhiều bộ môn với khoảng 480 nghìn vận động viên là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên nước Mỹ tham gia hằng năm.
Như vậy, NCAA đã làm gì để tạo nên một nền thể thao học đường hùng mạnh như thế tại Mỹ? Hầu như tất cả các đại học, cao đẳng lớn tại Mỹ đều là thành viên của Hiệp hội này. Các trường học đua nhau khuyến khích học sinh - sinh viên của mình tham gia vào các hoạt động thể thao. Các trường học tạo điều kiện mọi thứ, từ miễn phí học phí, tặng học bổng, cấp huấn luyện viên, dành các cơ sở thể thao tốt nhất cho sinh viên tập luyện.
Hầu hết các trường đại học, cao đẳng ở Mỹ đều có cơ sở sân bãi dành cho các hoạt động thể dục thể thao học đường. Những đại học lớn nổi tiếng đều có tổ hợp thể thao cực kỳ hiện đại để thu hút các VĐV có tài năng thể thao đến học; mời huấn luyện viên nổi tiếng về phụ trách huấn luyện đội tuyển trường trong các bộ môn để tranh tài hằng năm, có một đội ngũ bác sĩ chăm sóc cho sinh viên trong trường hợp tập luyện, thi đấu bị chấn thương; có bác sĩ tâm lý để tư vấn. Những sinh viên có thành tích thể thao này khi ra đời cũng được xã hội trọng vọng, yêu mến, có thể theo đường chuyên nghiệp hoặc tìm việc tại những công ty lớn với mức lương và đãi ngộ cao.
NCAA tổ chức rất nhiều cuộc tranh tài cho các trường đại học, cao đẳng trong nước với nhiều môn thể thao học đường, từ điền kinh, bơi, chèo thuyền, vật, cử tạ, thể dục dụng cụ... cho cả nam và nữ.
Ngoài ra, Mỹ có kiểu phát triển thể thao khác biệt với hầu hết các nước khác. Họ có bốn môn gọi là "tứ trụ”, nổi tiếng nhất với giới trẻ trong nước bao gồm: bóng chày, bóng rổ, bóng bầu dục và bóng đá kiểu Mỹ. Đa phần các ngôi sao chơi ở các giải đấu đắt giá như giải bóng rổ NBA, bóng bầu dục NLF... chính là những người xuất thân từ các môn thể thao ở trường cấp 2, cấp 3 và đại học.
Cuối cùng song không kém phần quan trọng, giáo dục Mỹ đề cao tính cá nhân và sở thích của học sinh. Học sinh yêu thích các hoạt động thể thao cũng được đánh giá cao và giành được những lợi thế tương đương với học sinh học tốt văn hóa. Triết lý giáo dục này đã góp phần thúc đẩy hoạt động thể thao nở rộ trong các trường phổ thông.