Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thể thao Việt Nam, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao TPHCM, đã đánh giá về những thành quả của thể thao thành phố mang tên Bác trong mấy thập niên qua, nêu ra những thách thức và phương án phát triển, cũng như dự báo về kết quả của SEA Games 31.
Với nhiều năm kinh nghiệm quản lý thể thao, ông đánh giá thế nào về vai trò của thể thao TPHCM với thể thao VN trong mấy thập niên qua?
- Như chúng ta biết, TPHCM là thành phố đông dân nhất nước, là thành phố đầu tàu kinh tế. Về vị trí của hoạt động thể thao, chúng ta cũng thấy đây là một đơn vị mạnh trong 63 tỉnh thành của cả nước.
Đối với thể thao thì có mảng phong trào và mảng thể thao thành tích cao. Đối với mảng thể thao thành tích cao thì trong những năm gần đây, thể thao ở thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ nhất, TPHCM đang ở vị trí thứ nhì. Đó là thành tích ở các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc.
Còn về hoạt động phong trào? Theo đánh giá của Tổng cục TDTT, của Bộ thì hoạt động phong trào của quần chúng nhân dân, các hoạt động của những tổ chức xã hội, các hiệp hội, doanh nghiệp, các hiệp hội công nghiệp... hoạt động ở TPHCM là khá sôi nổi, là một trong những vị trí đầu của cả nước.
Theo ông, thể thao TPHCM phát triển đến nay có những thành quả nào đáng chú ý?
- Một trong những cái mà người ta tính toán về thể thao thành tích cao là hình ảnh của thể thao để giới thiệu cho địa phương của mình, hoặc đất nước của mình thông qua các đội tuyển. TPHCM là một trong những đơn vị đóng góp nhiều nhất cho các đội tuyển, cùng với Hà Nội. Đó là một ý.
Ý thứ 2 về thành tích. Nếu lấy thành tích so sánh từ Đại hội, TPHCM đang chiếm vị trí thứ nhì cho đến hiện tại và đóng góp cũng ở vị trí thứ nhì so với thủ đô Hà Nội về lực lượng ở các đội tuyển, cũng như thành tích về huy chương.
Ông đánh giá đâu là thế mạnh của thể thao TPHCM?
- Thứ nhất ở vị trí tập hợp các nhân lực, đặc biệt là các liên đoàn thể thao, TPHCM tới thời điểm này có 30 liên đoàn. Các liên đoàn giúp cho hoạt động phong trào và thành tích cao khá tốt.
Các môn thi đấu chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì các tổ chức xã hội đóng góp khá nhiều.
Việc thứ 3 là hệ thống đào tạo của TPHCM được duy trì bài bản trong nhiều năm. Đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, nhất là lãnh đạo ở cấp quận được quán triệt và quan tâm rất nhiều tới các hoạt động phong trào của quận mình.
Theo ông, thể thao TPHCM đang gặp khó khăn và thuận lợi nào?
- Khó khăn là cơ sở vật chất, mặc dù có quy hoạch. Mặc dù chúng ta có nhiều quyết định liên quan đến cơ sở vật chất, tuy nhiên, việc tập trung cho những hoạt động cần thiết hơn nên nguồn lực về cơ sở vật chất của thể thao TPHCM hiện nay là nhỏ, lẻ. Tuy nhiều, mỗi quận đều có, nhưng mang tính nhỏ, lẻ, chủ yếu phục vụ phong trào. Chưa có nhiều công trình đạt tầm cỡ quốc tế. Đó là một trong những khó khăn.
Đối với ở cấp thành phố cũng vậy, tức là các đơn vị sự nghiệp của thành phố hoạt động chuyên ngành về thể thao cũng chỉ ở kiểu là nhỏ, lẻ. Những công trình đã có dự kiến, nhưng đến nay chưa hình thành được do những khó khăn cần được tháo gỡ.
Còn thuận lợi thì như tôi nói ở phần trên, kinh phí cũng được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, nguồn lực đào tạo của chúng ta cũng được bài bản, có hệ thống. Nguồn lực xã hội hóa của chúng ta cũng được huy động, và đặc biệt là các nguồn lực từ cấp cơ sở cũng được tập trung. Đó là những thế mạnh của TPHCM.
Ông có thể cho biết những môn nào hiện là trọng tâm của thể thao TPHCM? Dự kiến trong tương lai sẽ có những điều chỉnh nào hay không?
- Những môn mà quần chúng quan tâm, những môn mà chúng ta có thế mạnh, có truyền thống. Cụ thể sẽ phát triển trong quá trình hình thành theo từng năm. Tất nhiên những môn mà quần chúng quan tâm thì chúng ta càng phải lưu ý.
Đối với các môn tập thể, bóng đá chúng ta không thể bỏ. Bóng rổ, bóng chuyền là những môn mà người dân đang chú ý và quan tâm. Đối với các môn cá nhân, bơi, điền kinh, thể dục là 3 môn thể thao cơ bản.
Đối với tình hình thể thao TPHCM hiện nay, theo chúng tôi thống kê chưa đầy đủ thì có tới 54 môn. Môn nào chúng ta cũng cần phải quan tâm, tùy mức độ mà chúng ta sẽ có quan tâm phù hợp, đặc biệt là làm sao để tạo điều kiện cho các liên đoàn – người ta sẽ là người giúp chúng ta thực hiện những sự quan tâm đó.
Ông có thể cho biết kinh phí Nhà nước dành cho thể thao TPHCM hàng năm là bao nhiêu? Kinh phí thực tế mà thể thao TPHCM cần tới là bao nhiêu?
- Nói về nguồn lực tài chính, phải nhìn chung tài chính ở đây là từ cấp cơ sở cho tới cấp thành phố. Chúng ta không nói riêng của thành phố là bao nhiêu, của quận là bao nhiêu, của phường là bao nhiêu.
Chúng ta cũng không thể nói tới chuyện là kinh phí chỉ có nguồn ngân sách, mà chúng ta phải nói luôn cả các nguồn lực khác, xã hội hóa - sự đóng góp của xã hội vào trong đây.
Do vậy đối với câu này, cần thì chúng ta cần rất nhiều, thiếu thì hiện nay cũng còn thiếu nhiều. Nhưng nếu biết cân, biết tập trung, biết vận dụng cân đối thì chúng ta vẫn hoạt động tốt tới thời điểm này.
Mô hình xã hội hóa thể thao sắm vai trò như thế nào đối với việc duy trì và phát triển các môn thể thao ở TPHCM?
- Chúng ta có 30 liên đoàn tới thời điểm này và chuẩn bị hình thành thêm 2 liên đoàn nữa. Đó là liên đoàn billiards và liên đoàn thể thao điện tử.
Đây là những mô hình được quy định pháp luật từ trong luật thể thao cũng như các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Từ sự quyết định của UBND thành phố, thành lập các liên đoàn này.
Đây là một trong những việc làm chính, làm sao chúng ta tạo được những điều kiện thuận lợi nhất thì các nguồn lực liên đoàn này sẽ phát triển và sẽ đóng góp không nhỏ cho ngành thể thao TPHCM.
Ông cho rằng để phát triển tốt hơn nữa, thể thao TPHCM cần thay đổi những gì và người làm thể thao TPHCM cần điều chỉnh những gì?
- Thứ nhất là vận dụng nguồn lực của xã hội nhiều hơn, tranh thủ và xin ý kiến, tạo điều kiện quy hoạch, tham mưu để làm sao TPHCM có cơ sở vật chất trong tập luyện đầy đủ, lớn, đủ điều kiện để cho các đội tuyển tập luyện tốt hơn.
Và một khu vực cho tổ chức thi đấu ở đẳng cấp quốc tế. Đối với TPHCM, trong thời điểm này cần nhất là cơ sở vật chất cho ngành.
Nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại VN vào cuối năm nay, ông có thể đưa ra dự báo về thành tích của đoàn Thể thao Việt Nam nói chung và thành tích của các VĐV TPHCM nói riêng? Những môn nào và VĐV nào của TPHCM dự kiến sẽ tạo dấu ấn nổi bật tại SEA Games 2021?
- SEA Games lần này, chúng ta tổ chức trong thời điểm dịch COVID-19, cũng rất nhiều khó khăn, các đội tuyển mới bắt đầu tập luyện trở lại. Nhưng chúng ta vẫn hướng đến kỳ SEA Games lành mạnh, kỳ SEA Games công bằng, nên chỉ đạo từ Chính phủ cũng như Bộ là chúng ta không chạy đua theo thành tích, mà làm sao thắng rõ ràng, đúng theo quy định, đúng luật... Chúng ta không sắp xếp.
Nếu làm đúng với tinh thần đó, tôi vẫn nghĩ rằng thể thao Việt Nam sẽ đoạt vị trí thứ nhất toàn đoàn và TPHCM sẽ đóng góp một phần không nhỏ cho các đội tuyển của thể thao Việt Nam trong kỳ SEA Games này.
Những VĐV nổi bật của thành phố cũng là những VĐV nổi bật của Việt Nam mà chúng ta từng biết và tôi nghĩ các em sẽ đóng góp rất lớn trong Đại hội lần này, chẳng hạn như Lê Thanh Tùng, Lê Tú Chinh, Thạch Kim Tuấn, các em bóng đá nữ, các em futsal, các lực lượng của Aerobic.
Đặc biệt trong thời gian gần đây bóng rổ cũng đang phát triển. Bóng chuyền cũng sẽ có những VĐV nổi bật góp phần vào cho đội tuyển Việt Nam chúng ta thắng lợi.