Katana
Nhiều người nhầm tưởng Katana là vũ khí đại trà trong nền quân sự trung đại Nhật Bản, thực tế không phải. Hầu hết "lính trơn" sẽ sử dụng Yari (giáo nhọn) hoặc các loại đao kiếm được chế tác thô sơ. Kể cả Samurai - lực lượng tinh anh của nền quân sự và võ thuật cũng thường xuyên dùng các loại vũ khí khác nhau chứ không chỉ dùng Katana.
Katana được chế tác cực kỳ tinh xảo, tuân thủ nhiều quy tắc và tiêu chuẩn khắt khe của kỹ thuật luyện kim, thẩm mỹ, văn hóa và võ thuật Nhật Bản. Có thể nói, trong toàn bộ kho vũ khí cổ điển của người Nhật Bản, Katana không phải vũ khí to dài nhất, bền nhất hay thậm chí cũng khó xác định yếu tố "tốt nhất", nhưng luôn là mẫu kiếm được sản xuất với sự tinh xảo tuyệt đối.
"Lính trơn" Nhật Bản thường sử dụng nhiều loại giáo khác nhau để giảm giá thành trang bị vũ khí chứ không dùng kiếm, Katana lại càng không
Thực tế, dù các Samurai đều sở hữu kiếm Katana nhưng không thường xuyên dùng trong trận mạc. Nó thuộc về đẳng cấp của kiếm thuật - dưới góc nhìn võ thuật thuần túy.
Trong thời trung đại, việc sử dụng Katana thành thạo là yếu tố quyết định đẳng cấp các Samurai. Đó cũng là lý do vì sao Katana trở thành biểu tượng của văn hóa Nhật Bản
Rapier
Nếu như Katana là biểu tượng đẳng cấp của võ sĩ Nhật Bản thì Rapier thuộc về giới quý tộc Châu Âu.
Khi các món hỏa khí thịnh hành như súng, hỏa pháo... thời đại của các hiệp sĩ kiếm to giáp nặng chấm dứt. Mặt khác, sự phát triển của thuật luyện kim đã cho phép sản xuất những thanh kiếm mỏng, nhẹ hơn với độ bền phù hợp với thao tác chiến đấu. Kỹ thuật đấu kiếm phương Tây cũng có nhiều phát triển.
Giáp dày và vũ khí lớn trở nên yếu thế từ khi các loại hỏa khí ra đời. Tư duy quân sự - võ thuật mới đòi hỏi "vũ khí lạnh" cần sự linh hoạt cao hơn
Từ điều kiện đó, những mẫu kiếm mỏng gọn như Rapier bắt đầu nở rộ. Tuy Rapier có thể được sở hữu bởi bất cứ ai nhưng vì các tính chất như tầm tấn công, trọng lượng... nên mẫu kiếm này lại phù hợp với những màn "solo" đọ kỹ thuật với tốc độ, phản xạ, footwork tốt chứ không phải môi trường chiến tranh - nơi dòng đao sabre thống trị.
So với các "tiền bối", dòng kiếm Rapier mỏng gọn hơn nhiều
Cuối cùng, Rapier trở thành biểu tượng của giới quý tộc. Đấu kiếm thời bấy giờ là môn thể thao ưa thích của những người muốn thể hiện bản lĩnh cá nhân hơn là lao ra chiến trường - nơi "võ thuật" không hoàn toàn là yếu tố quyết định chiến thắng. Thậm chí, Rapier còn gắn liền với nghi thức đấu kiếm tới chết - một hình thức thách đấu được lập ra khi các quý tộc muốn xử lý mâu thuẫn cá nhân với các quý tộc khác.
Rapier trở thành môn đấu kiếm đầy kỹ thuật và khoa học, biểu tượng của giới quý tộc châu Âu
Bát trảm đao
Trong làng vũ khí Trung Hoa, hầu hết các món "hàng lạnh" có thể sử dụng song song giữa hai môi trường võ thuật và quân sự. Thậm chí những loại kiếm mỏng nhẹ cũng vẫn được các tướng lĩnh sử dụng như vũ khí cá nhân dù nó không thích hợp với môi trường va chạm nhiều vũ khí lớn hay giáp mũ chắc chắn.
Bát trảm đao đứng ngoài quy luật nó. Nó sinh ra và được sử dụng như một vũ khí dân sự, hoàn toàn thuộc về giới "giang hồ võ lâm" Nam Trung Hoa, phổ biến trong nhiều môn võ như Hồng gia, Vịnh Xuân...
Các nhà làm phim cổ trang Trung Quốc luôn cố tái hiện lại lối kỹ thuật cực kỳ phức tạp và đòi hỏi trình độ cao của Bát trảm đao
Lý do lớn nhất khiến Bát Trảm Đao không thể bước ra môi trường quân sự là vì tầm đánh ngắn, đòi hỏi kỹ thuật và phản xạ tốt. Nhưng cũng chính vì lý do đó mà nó trở thành biểu tượng của đẳng cấp võ thuật. Khác với các vũ khí bén như đao kiếm chỉ có những đòn chặt - chém - đâm, bát trảm đao sở hữu một hệ kỹ thuật rất phức tạp. Bản thân cách cầm bát trảm đao đã sinh ra hai chiều ngược nhau, dẫn tới sự phức tạp trong kỹ thuật.