Nguồn gốc của môn Bóng chày (Baseball) có lẽ là một trong những câu chuyện huyền bí nhất thế giới. Nguyên nhân rất đơn giản: Có không ít môn tương tự Bóng chày, như Cricket hoặc Khúc côn cầu. Thậm chí ở Anh hiện còn có trò chơi tên Baseball, chẳng qua cách chơi hơi khác so với môn thể thao được ví như "Quốc hồn, Quốc túy" của người Mỹ.
Trò chơi đó hiện vẫn còn được chơi ở xứ Wales. Luật chơi gồm có 11 cầu thủ trên sân và không có người ném bóng, nhưng lại có bowler (người phát bóng) như trong môn Cricket. Mỗi đội chơi 2 hiệp. Mỗi hiệp hoàn thành khi tất cả 11 cầu thủ đều được đánh bóng. Người chạy có điểm cho mỗi lần chiếm chốt.
Dấu vết của môn thể thao giống Bóng chày sớm được người Ai Cập cổ đại tiêu khiển với chày, bóng và trái banh có hình dạng tương đương banh bóng chày có niên đại hơn 2000 năm tuổi, hiện nay đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh quốc ở London.
Những trò chơi dễ liên tưởng đến Bóng chày còn từng xuất hiện ở Walacchia - một phần của Romania ngày nay, ở Lapta (Nga) trong thế kỷ 14. Trò chơi với chày và bóng cũng từng rất phổ biến trong giới tu sĩ ở Pháp vào thập niên 1330.
Cũng giai đoạn này, một bài thơ của William Pagula (Anh) nhắc đến trò chơi Stoolball với những người vắt sữa dùng ghế vắt sữa có 3 chân, tương tự môn cricket. Người Đức có trò Schlagball với mỗi đội 12 người.
Đặc biệt còn có Rounders được chơi tại Mỹ trong thế kỷ 19 với luật chơi khá giống Bóng chày, chỉ là người tấn công có thể chạy mà không cần đánh trúng bóng.
Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Bóng chày nguyên thủy từng được chơi ở Anh, nên từ "Baseball" đã được nhắc tới trong các tác phẩm thế kỷ 18.
Chưa kể năm 1796, tác giả người Đức Johann Gutsmuth đã viết một cuốn sách về những thú tiêu khiển phổ biến, trong đó đề cập đến một trò chơi có tên gọi tiếng Anh là Baseball.
Tuy nhiên, "cha đẻ" của Bóng chày hiện nay chắc chắn đến vào cuối thế kỷ 19, khi các trò chơi đến các thuộc địa.
Một cựu Pitcher và nhà sản xuất dụng cụ thể thao nổi tiếng trên thế giới là Al Spalding đã kiếm được câu chuyện hoàn hảo kể về nguồn gốc của Bóng chày: Đó là sáng tạo của Abner Doubleday, một sĩ quan quân đội, một anh hùng trong cuộc chiến tranh Seminoles và một vị tướng trong cuộc Nội chiến Mỹ.
Theo lời Al Spalding chứ Doubleday không xác nhận, vị tướng này đã phát minh trò chơi Bóng chày vào năm 1839 trong một thành phố được gọi là Cooperstown. Tuy nhiên, một số người cho rằng Doubleday chỉ có công nghĩ ra sân Bóng chày (hoặc hình dạng kim cương của nó) như hiện nay.
Mặc khác, viết ra luật Bóng chày lại là người bán sách ở New York tên là Alexander Cartwright. Ông sáng lập đội bóng tên là The Knickerbockers vào năm 1839, viết các luật bóng chày vào năm 1845 (Quốc hội Mỹ đã thông qua vào năm 1953) và tổ chức các trận đấu đầu tiên tại Mỹ vào ngày 19/6/1846 tại Hoboken, New Jersey.
Mặc dù vậy, các trận đấu Bóng chày hiện đại đầu tiên không phải ở Bắc Mỹ, mà bắt đầu từ tháng 6/1838 ở Ontario (Canada).
Cũng trong năm đó, bóng chày đã trở thành môn thể thao chuyên nghiệp đầu tiên. Năm 1850, "Hiệp hội quốc gia của các cầu thủ bóng chày" (NABBP) được sinh ra, the National League (Liên đoàn bóng chày quốc gia) được thành lập và thi đấu vào năm 1876.
Mỹ đã cố gắng để biến Bóng chày thành trò chơi phổ biến trên toàn thế giới. Năm 1878, một cầu thủ chuyên nghiệp tên là Esteban Bellan đã giới thiệu trò chơi này ở Cuba để phổ biến Bóng chày ở toàn bộ vùng biển Caribbean.
Năm 1870, Horace Wilson đưa chày và bóng đến Nhật Bản, từ đó nhanh chóng đến Triều Tiên và Trung Hoa-Đài Bắc.
Bóng chày đã được chơi tại Úc, New Zealand và Nam Thái Bình Dương vào năm 1888 và 1889. Trong tháng 2/1889, một tour du lịch do Albert Spalding tổ chức đã mang trò chơi này đến Ý. Một giải vô địch Bóng chày đã được tổ chức ở Anh vào cuối thế kỷ 18.
Bóng chày thực sự được quốc tế hóa trong thế kỷ 20. Vào năm 1903 tại Mỹ, the American League (Liên đoàn bóng chày Mỹ) bắt đầu thi đấu với the National League trong giải World Series.
Baseball Leagues (có thể hiểu là các giải đấu Bóng chày) bắt đầu được tổ chức lan rộng trên toàn thế giới: Năm 1922 ở Hà Lan, 1934 tại Úc, 1936 tại Nhật Bản, 1938 ở Puertorico, 1945 tại Venezuela và Mexico, năm 1948 tại Ý.
Ngày nay ở Mỹ - nơi khai sinh Bóng chày hiện đại, Bóng chày không chỉ là môn thể thao chính mà còn là trò giải trí quốc gia và Major League Baseball đã được Quốc hội Mỹ trao biểu tượng độc quyền.
Được biết tổng số người tham dự các trận ở Major League gần bằng với tổng số khán giả ở các môn thể thao chuyên nghiệp khác của Mỹ gộp lại!
Trên truyền hình, khán giả xem Bóng chày cũng vượt Bóng bầu dục. Bóng chày phổ biến tới mức ngoài phương Nam, mọi nơi khác ở Mỹ đều hiểu ballgame là chỉ Bóng chày và ballpark là sân Bóng chày, dù đâu chỉ riêng Bóng chày chơi "bóng" (ball).
Sở dĩ người Mỹ xem trọng Bóng chày là do môn này được xem như sự kết hợp tối đa của kỹ năng, thời gian, thể lực và chiến lược. Nhiều người Mỹ có tư tưởng rằng chơi môn thể thao chơi bóng mà không dùng tay là không hay. Vì vậy họ thích môn này cũng như bóng bầu dục hơn bóng đá.
Đối với người mê Bóng chày, sức hút nằm ở sự tinh tế: Tình huống phòng thủ, vị trí ném bóng, thứ tự ném, thống kê, sân chơi, lịch sử, và cá tính của cầu thủ. Với những người hâm mộ cuồng nhiệt, trò chơi - ngay cả những thời điểm diễn ra chậm nhất - vẫn không bao giờ nhàm chán vì những sắc thái này.
Ở VN, Bóng chày du nhập vào do những người nước ngoài đến du lịch khoảng cuối thế kỷ 20. Sau đó, một số bạn trẻ VN đã chủ động sang Nhật học Bóng chày để về phát triển phong trào.
Bóng chày càng lan tỏa nhanh nhờ tấm lòng một doanh nhân Nhật. Dưới sự dẫn dắt của ông Fuchikawa, đội Bóng chày đầu tiên là Saigon Baseball ra đời. Lần đầu ra sân năm 1999, Saigon Baseball đã thu hút sự chú ý và đầu tư của Liên đoàn Bóng chày Hàn Quốc (KBO).
Đến năm 2006, Hà Nội có đội Bóng chày đầu tiên là FisHANU (Fis là viết tắt của Faculty of International Studies - Khoa Quốc tế học), trực thuộc Đại học Hà Nội (HANU).
Đến năm 2011, Hiệp hội Bóng chày TPHCM được thành lập, thu hút thêm số lượng người yêu thích môn này. Những bộ truyện tranh về Bóng chày như Doraemon Bóng chày của NXB Kim Đồng hoặc Tầm Với - Touch của NXB Trẻ càng gia tăng hứng thú của giới trẻ với bóng và chày.
Nhưng trong thể thao, chỉ tình yêu thôi rõ ràng chưa đủ. Ở lần xuất ngoại dự giải đấu lớn đầu tiên là SEA Games 26 ở Jakarta, tuyển Bóng chày VN thua tan tác. Đó là hậu quả do thiếu thốn cơ sở vật chất, trong lúc dụng cụ, thiết bị của Bóng chày không được xem như trở ngại lớn đối với người hâm mộ.
Song giờ đây, sau hơn 2 thập niên du nhập và phát triển, Bóng chày VN đang có cơ hội đột phá mới với sự kiện thành lập Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam trong năm tổ chức SEA Games 31. Một khi "danh chính, ngôn thuận" với sự chỉ đạo của Liên đoàn Bóng chày và Bóng mềm Việt Nam, trò chơi này hứa hẹn đủ sức thu hút mối quan tâm từ nhiều phía để vươn đến tầm cao mới.