Sinh năm 1997 tại Tây Ninh, từ lúc 6 tuổi cậu bé Nam được mẹ chở đến sân tennis để chơi cùng. Trong khi mẹ thi đấu thì Nam chạy chập chững nô đùa với trái bóng đầy cách thích thú. Nhiều hôm, Nam còn tự tay nhặt bóng chạy đến đưa cho mẹ khiến nhiều người phải phì cười vì sự ngộ nghĩnh của cậu bé. Thế rồi, trong một lần tình cờ thì cậu bé người Tây Ninh được một người bạn của mẹ cho cầm vợt đánh thử. Chính sự ngẫu nhiên ấy đã đưa Hoàng Nam đến với tennis.
Theo bà Đỗ Thanh Yến mẹ Nam, chỉ vài lần đánh thử, Nam đã có những động tác cho thấy những sự khác lạ, và người bạn của mẹ đã lập tức khuyên cho con trai theo quần vợt. Rất may mắn cho Nam, vì có một bà mẹ “máu lửa”. Ngay từ khi ấy, bà đã mạnh dạn đầu tư thuê thầy dạy con vào hai ngày cuối tuần, nhờ thế Nam sớm tích lũy được các kỹ thuật cơ bản.
Cột mốc quan trọng đầu tiên với Nam chính là năm 9 tuổi, khi cậu bé đã bất ngờ giành được tấm HCV lứa tuổi U.10 giải Trẻ toàn quốc. Chính màn trình diễn xuất sắc ở mức hiếm có ấy đã giống như một bước đệm để Nam đến được với CLB B.Bình Dương, khi đó là một mẫu hình nổi nhất nước về đào tạo trẻ.
Ngay khi được giới thiệu và kiểm tra khả năng, CLB này đã lập tức đồng ý tiếp nhận cậu học trò, khởi phát từ một nơi vốn “trắng” về quần vợt.
Nếu như mẹ Yến là người có công đưa Hoàng Nam đến với quần vợt, tạo nên nền tảng và đam mê ban đầu, thì bố của Nam, ông Lý Hoàng Việt chính là người đã nâng đỡ giấc mơ cho con bay xa. Trong nhiều năm ròng rã, ông đã nhẫn nại và bền bỉ đưa đón con đi tập hàng ngày, vượt chặng đường 60km, bất kể nắng mưa, trên chiếc xe máy cũ.
5h sáng hai bố con đã phải dậy và Nam nằm ngủ trên lưng bố từ Tây Ninh cho đến tận Bình Dương. Cũng từ năm 10 tuổi, Lý Hoàng Nam đã phải quen với cảnh xa gia đình triền miên, tập trung cao độ cho những chuyến tập huấn thi đấu, và gần như không có tuổi thơ. Còn vợ chồng bà Yến cũng phải rất lâu mới vượt qua được cái cảm giác giống như “mất con”. Sau một giải đấu, hay mỗi chuyến xuất ngoại tập huấn, Hoàng Nam chỉ được về thăm bố mẹ một hai ngày.
Thậm chí có lần Nam chỉ kịp ghé nửa buổi, kịp ăn một bữa cơm, ngả lưng chuyện trò với mẹ một chút rồi lại lên đường ngay. Từ nhiều năm nay, trung bình mỗi năm Nam tham dự từ 20-30 giải quốc tế các loại trong hệ thống. Anh chỉ đủ thời gian để tập rồi đấu giải, và đấu rồi lại tập cho giải mới.
Như một sự bù đắp xứng đáng, Hoàng Nam với tố chất, sức vươn đặc biệt, cùng môi trường thuận lợi ở “lò” Bình Dương đã liên tục tạo nên những bước thăng tiến vượt bậc. Kể từ 2014, sau tấm HCV ở Olympic trẻ, Nam đã nổi lên như một niềm hi vọng số 1, vô cùng triển vọng và khác biệt của quần vợt Việt Nam. Anh từng lọt vào tới Top 400 ATP, kèm theo đó là hàng loạt chiến tích xuất sắc, và nổi bật là chức vô địch đôi nam Wimbledon Trẻ cách đây 4 năm.
Và cả hành trình chinh phục vươn lên không ngừng của tài năng 22 tuổi đã được kết đọng ở chính SEA Games 30, nơi anh đã hiện thực hóa giấc mơ lớn của quần vợt Việt Nam mà có những thời điểm tưởng như vô vọng: một tấm HCV. Trong trận chung kết, Hoàng Nam đã đánh bại thuyết phục người đồng đội – đàn anh Daniel Nguyễn được đánh giá cao hơn nhiều