Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) vừa khẳng định rằng các VĐV vẫn bị cấm bày tỏ chính kiến tại Olympic. Trong thời gian qua, một số liên đoàn đã cho phép VĐV tham gia phản đối nạn kỳ thị chủng tộc sau cái chết làm rúng động nước Mỹ của George Floyd.
Bởi lẽ, Quy tắc 50 của Hiến chương Olympic quy định "không có loại biểu tình hay tuyên truyền chính trị, tôn giáo hay chủng tộc nào được cho phép ở mọi địa điểm, nhà thi đấu hoặc các khu vực khác của Olympic."
Các VĐV vi phạm quy tắc phải chịu kỷ luật theo từng trường hợp cụ thể. IOC từng ban hành bản hướng dẫn vào tháng 1/2020 làm rõ rằng những hành động thể hiện chính kiến đều bị cấm, bao gồm việc quỳ gối và các cử chỉ khác.
Trước đó vào ngày 25/5, Floyd - một người Mỹ gốc Phi 46 tuổi thiệt mạng do bị một cảnh sát da trắng ở Minneapolis chấn gối vào cổ đến gần 9 phút nên nghẹt thở. Cái chết tức tưởi của Floyd đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người da màu trên khắp thế giới.
Trong lịch sử Olympic, chẳng phải chưa từng xảy ra những cảnh thể hiện chính kiến. Ở Mexico 1968, các tuyển thủ chạy cự ly ngắn của Mỹ là Tommie Smith và John Carlos đã vung cao nắm đấm với găng tay đen trên bục chiến thắng nhằm phản ứng nạn kỳ thị chủng tộc.
Tại Rio 2016, tuyển thủ marathon Ai Cập Feyisa Lilesa cũng vung tay và bắt chéo cổ tay lúc vượt qua đích để thể hiện sự ủng hộ với bộ lạc Oromo của anh khi phản đối kế hoạch tái phân bổ đất nông nghiệp của chính phủ.