Hội thảo Quốc tế về Khoa học thể thao: Tác động của đại dịch COVID-19 và tương lai ngành thể thao

Minh Châu
thứ sáu 21-7-2023 18:31:55 +07:00 0 bình luận
Sáng ngày 21/7, trường đại học Tôn Đức Thắng đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về Khoa học thể thao với nội dung đáng quan tâm: Làm mới ngành thể thao sau đại dịch COVID-19.

Hội thảo Quốc tế về Khoa học thể thao tại trường đại học Tôn Đức Thắng bao gồm 4 chủ đề: Quản lý thể thao, Y sinh học thể thao, Tâm lý học thể thao, Huấn luyện thể thao. Báo cáo tham luận do Giáo sư Tiến sĩ Kallaya Kijboonchoo của Thái Lan và Phó Giáo sư Tiến sĩ người Malaysia Lim Boon Hooi trình bày. Hiện làm việc tại Khoa Giáo dục, Ngôn ngữ, Tâm lý & Âm nhạc của Đại học SEGi, Kota Damansara, Selangor, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi thu hút người nghe với chủ đề thời sự: Làm mới ngành thể thao sau đại dịch COVID-19.

Nội dung trong tham luận bắt đầu bằng liệt kê tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành thể thao cùng cố gắng hồi sinh ngành thể thao sau đại dịch COVID-19, đồng thời chỉ ra cơ hội do COVID-19 tạo ra cho tương lai ngành thể thao.

Giáo sư Tiến sĩ Kallaya Kijboonchoo của Thái Lan chú trọng vào chế độ dinh dưỡng.

Về tác động của COVID-19 đối với ngành thể thao, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi xác định thể thao không phải là ngoại lệ trước tác động của đại dịch toàn cầu. COVID-19 đã ảnh hưởng rất phức tạp và khó lường đến những người tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao và giải trí. Căn bệnh này đã có tác động bất lợi đáng kể đối với xã hội, nền kinh tế, cũng như các hoạt động thể dục, thể thao và giải trí.

Nói chung, COVID-19 không chừa bất cứ ai, từ người chơi thể thao đỉnh cao đến phong trào và thể thao người khuyết tật, từ các sự kiện thể thao lớn đến khâu bảo trì, tu dưỡng các sân đấu cùng những hoạt động ngoài trời, nơi công cộng do chính phủ các nước buộc phải ban hành lệnh cấm đi lại và hạn chế đi lại. Vận động viên, quản lý đội, kinh doanh, truyền thông cũng chịu ảnh hưởng, qua đó tác động xấu tới tài chính thể thao. 

Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi có cách diễn thuyết lôi cuốn.

Ví dụ tiêu biểu có thể lấy Olympic Tokyo 2020. Dự kiến diễn ra từ 24/7-9/8/2020, nhưng đại hội bị dời tới 23/7-8/8/2021. Hậu quả là Tokyo mất 597 tỷ yên, gần 100 ngàn tỷ đồng, có thể kiếm được nếu không bị hoãn. Bên cạnh đó, Nhật thông báo đầu tư 12,6 tỷ đô la vào Olympic, tương đương 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng số tiền thực đã tăng gấp đôi.

Ngay cả FIFA World Cup 2022 cũng tổn thất khoảng 500 triệu USD tiền vé, gần 12 ngàn tỷ đồng. Doanh thu của nhiều môn thể thao trên khắp thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng. Hậu quả là sự nghiệp và sinh kế của hàng triệu người bị ảnh hưởng do mất việc làm, tiền lương hoặc tiền lương bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt tăng cao, vì vậy suy giảm thể lực và sức khỏe nói chung.

Các Giáo sư nước ngoài tham dự Hội thảo.

Muốn hồi sinh ngành thể thao sau đại dịch, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi lưu ý rằng toàn bộ hoạt động kinh doanh thể thao bắt đầu thay đổi khi COVID-19 bùng nổ. Các mô hình kinh doanh và bán hàng ban đầu đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn, cho dù là trong tập luyện thể hình hay thị trường đồ dùng thể thao.

Mối quan tâm đối với sức khỏe và tập thể dục ngày càng tăng. Người tiêu dùng có sở thích thay đổi trong các kênh bán hàng và ngày càng chú trọng về tính bền vững. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đi xe đạp và chạy là hai loại hình tập luyện phổ biến nhất hiện nay. Tập gym tại nhà cũng trở thành trào lưu. Thiết bị tập thể dục, các trò chơi với bóng và hàng dệt may chủ yếu đến từ Trung Quốc, trong lúc dụng cụ chơi thể thao ngoài trời, dụng cụ chèo thuyền, quần áo chạy bộ và dụng cụ leo núi chủ yếu của Mỹ.

Đại diện trường đại học Tôn Đức Thắng tri ân các nhà tài trợ cuộc Hội thảo.

Nhưng theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi, xe đạp vẫn được ưa chuộng nhất hiện nay. Đây là một môn thể thao thay thế cho việc đi lại hoặc tập thể dục do sự cần thiết phải duy trì khoảng cách xã hội, vệ sinh và thông gió. Cũng trong giai đoạn này, thương mại điện tử đang bùng nổ.

Đến đây, vấn đề là COVID-19 tạo ra cơ hội như thế nào cho tương lai ngành thể thao? Phó Giáo sư Tiến sĩ Lim Boon Hooi nhấn mạnh đến sự thay đổi thái độ và hành vi của người tiêu dùng. Họ quan tâm hơn đến sức khỏe và thể chất của mình. 50% người tiêu dùng hiện nay tham gia tập thể dục thường xuyên. Cộng đồng tập thể dục trực tuyến đang trở nên phổ biến khi mọi người có ý thức về sức khỏe hơn và tập thể dục tại nhà thường xuyên hơn.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm sau cuộc Hội thảo.

Song song đó, theo các nghiên cứu khác nhau, 78-85% khách hàng trẻ tuổi có xu hướng chi tiền cho các mặt hàng thể thao hoặc các lớp tập thể dục. Ngày nay, vì nhiều người sẵn sàng chi tiêu hơn cho thể thao và 34% người tiêu dùng trẻ bày tỏ ý định này, dự đoán việc tiếp tục áp dụng các phương pháp tập thể dục trực tuyến, sức khỏe và kỹ thuật số còn duy trì.

Các nhà lãnh đạo ngành thể thao đang tiếp tục tận dụng xu hướng phát triển của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để tăng cường mối quan hệ giữa khách hàng và doanh nghiệp. Điều này bao gồm phương tiện truyền thông xã hội và thương mại xã hội cũng như hệ sinh thái kỹ thuật số. Ước tính có hơn 80% người tiêu dùng sử dụng các kênh mua sắm trực tuyến để tìm sản phẩm và phát trực tiếp trở thành một chiến thuật quảng cáo phổ biến cho nhiều trang web.

Khách hàng yêu thích truyền thông và háo hức duyệt, tìm hiểu và mua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thể chất, đồ thể thao, thiết bị ngoài trời, v.v. thông qua nhiều kênh khác nhau. Mọi người thường mua một sản phẩm sau khi nhìn thấy nó trên mạng. Bên cạnh đó, nghiên cứu phát hiện 6 trong số 10 người tiêu dùng tích cực tìm kiếm đánh giá của người dùng trước khi mua hàng và đồng nghiệp, người nổi tiếng về thể thao và thể hình cũng như những người có ảnh hưởng xã hội đều là những người có tác động mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm