Hàn Quốc đã giải bài toán kinh tế thể thao ngoạn mục như thế nào?

thứ bảy 3-6-2023 8:50:46 +07:00 0 bình luận
Để trở thành cường quốc thể thao hàng đầu châu lục, bên cạnh mô hình và chính sách phát triển đặc biệt, Hàn Quốc đã giải bài toán kinh phí thành công, gắn với Quỹ Phát triển (KSOP) có nguồn kinh phí hàng năm còn vượt cả ngân sách nhà nước cấp cho thể thao. 

Nhân Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam diễn ra vào ngày 3/6/2023 tại Hà Nội, webthethao.vn xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS Vũ Việt Bảo (Trường Đại học TDTT TP.HCM) về vấn đề này. Đây cũng là công trình được báo cáo tại hội nghị quốc tế “Phát triển thể thao – Tầm nhìn Olympic” do Việt Nam đăng cai tổ chức vào 2012.

Tiến sỹ Vũ Việt Bảo - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học TDTT TP.HCM 

Quỹ Phát triển đóng góp trên 55% kinh phí cho thể thao 

Chính sách phát triển thể thao của Hàn Quốc nằm trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cuối những năm 1990, Chính phủ đã đề ra các chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh, biểu diễn, du lịch, công nghệ thông tin phát triển mạnh. Các nhà hoạch định chính sách luôn tìm kiếm mục tiêu mới để phát triển mô hình thành công này, và thể thao chính là lựa chọn hàng đầu của họ. 

Ủy ban Olympic Hàn Quốc (KOC) là đầu mối tập hợp các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao quốc gia có ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển thể thao của quốc gia. Và Chính phủ thông qua Ủy ban Olympic quốc gia để thực hiện thành công các chính sách của mình. Họ đã tổ chức thành công các sự kiện thể thao quốc gia và quốc tế lớn, cả loại hình thi đấu mùa hè và mùa đông, cả thể thao cơ bản truyền thông và thể thao giải trí- điện tử. Ủy ban Olympic Hàn Quốc còn được giao trực tiếp quản lý các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, như Taeneung, Jin Chun hay Taebaek (nơi có độ cao 1.300m so với mặt nước biển). Một đặc điểm quan trọng nữa của Ủy ban Olympic Hàn Quốc là có đội ngũ nhân viên được trả lương làm việc toàn thời gian, được tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng, trong đó có 20% là các cựu VĐV. 

Cùng với  Ủy ban Olympic Hàn Quốc, một tổ chức khác có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển chính là Quỹ Phát triển thể thao Hàn Quốc (Korea Sport Promotion Foundation- KSPO). Khởi phát từ SOSFO (Seoul Olympic Sports Promotion Foundation) được thành lập năm 1989 sau khi kết thúc Olympic Seoul, tổ chức này có nhiệm vụ tìm kiếm các nguồn tài chình cho thể thao xứ Hàn. Với lợi nhuận có được từ việc đăng cai Thể vận hội 1988 (311 triệu USD), KSPO thành lập doanh nghiệp để quản lý, khai thác và tăng nguồn thu cho quỹ. KSPO hiện là tổ chức đảm bảo phần lớn kinh phí tài trợ cho thể thao Hàn Quốc, khoảng 55,3%, bên cạnh 44,7% được Chính phủ cấp. 

KSPO hiện là tổ chức đảm bảo phần lớn kinh phí tài trợ cho thể thao Hàn Quốc, khoảng 55,3%

Ngoài việc đồng hành toàn diện cùng Ủy ban Olympic Quốc gia cùng các Liên đoàn- Hiệp hội thể thao theo môn, KSPO còn hỗ trợ Viện Khoa học TDTT Hàn Quốc tổ chức các cuộc hội thảo và nghiên cứu khoa học. Tổ chức này cũng hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp thể thao giải trí cùng nhiều hoạt động khác. KSPO cũng hỗ trợ kinh phí trợ cấp dài hạn cho các VĐV giành huy chương Olympic, đầu tư cho các HLV VĐV tập huấn thi đấu, và thưởng thành tích hàng năm. 

Hiện tại, họ trực tiếp đứng ra quản lý các hoạt động kinh doanh quan trọng, như đua xe đạp lòng chảo, đua xuồng máy, cá cược thể thao, chuỗi các cửa hàng thể thao, khách sạn Olympic Parktel, sân golf…. 

Theo thống kê, sau đúng 18 năm thành lập, đến 2006,  KSPO đã dành tổng cộng 1.745 tỉ Won cho việc thúc đẩy thể thao quốc gia, các dự án sưu tầm bảo tồn các giá trị của Olympic Seoul. Trong những năm gần đây, KSPO đẩy mạnh các sáng kiến trong việc đột phá thể thao phúc lợi xã hội, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho các môn thể thao giái trí, thể thao cho người khuyết tật và thể thao học đường thông qua việc tăng cường các cơ hội tham gia đầu tư từ khu vực tư nhân, mở rộng phát triển cơ sở hạ tầng và các chương trình thể thao giải trí và thu hút các nước đến tham gia các hoạt động thể thao tại Hàn Quốc.

Nhiều sinh viên giành huy chương Olympic 

Một trong những thế mạnh mà Hàn Quốc đã phát huy rất tốt chính là thể thao học đường. Chương trình giáo dục thể chất trong trường học do Bộ Giáo dục quy định. Họ từng có nhiều tổ chức thể thao trường học hoạt động rất mạnh, và hiện giờ đều nằm trong Ủy ban Olympic Quốc gia, với chức năng chính là tổ chức các giải đấu trẻ cho học sinh, sinh viên. 

Các hệ thống tổ chức thể thao của Hàn Quốc có mối liên kết chặt chẽ trong việc phát triển thể thao học đường, thể thao trong sinh viên và thể thao thành tích cao. Tất cả các hoạt động ở các lĩnh vực này đều thông qua Liên đoàn- Hiệp hội Quốc gia, được vận hành một cách khoa học bài bản. Qua đó, các tài năng được phát hiện và cấp học bổng. 

Nhiều VĐV Hàn Quốc xuất thân từ trường giành huy chương Olympic, Asian Games, thế giới, châu Á

Hệ thống các trường đại học thể thao, đơn cử trường Đại học thể thao Quốc gia Hàn Quốc, cung cấp nhiều chương trình đào tạo khác nhau, từ chung tới chuyên môn sâu: quản lý thể thao, giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, thể thao cộng đồng, thể thao trẻ, thể thao giải trí, thể thao cho người khuyết tật, taekwondo, bắn cung, bóng đá, bóng chuyền… Nhiều VĐV xuất thân từ trường giành huy chương Olympic, Asian Games, thế giới, châu Á… Đây là hệ thống các tổ chức hỗ trợ cho thể thao Hàn Quốc có một môi trường lý tưởng để phát triển chuyên nghiệp hóa. 

Nghiên cứu khoa học gắn với huấn luyện và phát triển chính sách 

Có thể thấy các VĐV cao cấp của Hàn Quốc có tất cả những gì họ cần tại các trung tâm huấn luyện quốc gia của họ ở Teneung và Taebaek. Họ được hỗ trợ bởi các nhà khoa học, y học chuyên ngành, được hưởng chế độ dinh dưỡng, bảo hiểm, lương thưởng đặc biệt, được tập huấn thi đấu cọ xát trong những điều kiện tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. 

Giáo dục đại học ở Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học thể thao ngày càng phát triển, một số trường cung cấp các bậc học thạc sĩ, tiến sĩ. Trong đó, nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học thể thao là Viện Khoa học TDTT Hàn Quốc (KISS). Được thành lập từ 1980, Viện KISS quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu trong các lĩnh vực để nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho công tác huấn luyện, tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao. Ngoài chức năng này, Viện còn mở các khóa đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ HLV, VĐV thông qua các chương trình dài hạn, các khóa tập huấn hay các buổi seminor. Hiện tại, họ đang  đảm nhiệm việc đào tạo và cấp bằng cho HLV thể thao ở ba cấp độ.

Đáng chú ý, Viện KISS cũng tham gia việc hoạch định chính sách phát triển thể thao, nâng cao thành tích thể thao, công nghệ đào tạo và thành lập mạng lưới thông tin thể thao. Viện đã xuất bản tạp chí thể thao quốc tế, có hệ thống bình duyệt bài chất lượng cao và hiệu quả để đăng tải các công trình nghiên cứu của Viện và các nhà khoa học gửi tới. 

Một số đề xuất tham khảo cho thể thao Việt Nam 
Từ kinh nghiệm và mô hình phát triển thể thao thành tích cao của Hàn Quốc, các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo và định hướng mô hình phát triển cho thể thao Việt Nam, rõ nhất là thể thao thành tích cao:
-Chính phủ phê duyệt một chương trình mục tiêu quốc gia về thể thao hướng tới Asian Games và Olympic. 
- Chính phủ phê duyệt các chương trình hành động cụ thể: Phát triển thể thao thành tích cao; Phát triển hệ thống thể thao học đường; Nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học thể thao. 
-Nhà nước cho phép tổ chức xổ số thể thao, hình thành một tổ chức có chức năng giống như Quỹ KSPO của Hàn Quốc trực thuộc Ủy ban Olympic Việt Nam để tìm được nhiều nguồn tài trợ cho phát triển thể thao. 
- Tích cực đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao lớn để nâng cao năng lực tổ chức, phát huy lợi thế truyền thông, thu hút tài trợ, nâng cao thành tích thể thao.
- Đầu tư mạnh cho các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, và gắn kết với nghiên cứu khoa học thể thao và giáo dục đại học. 

Thành lập từ 1989, Quỹ phát triển thể thao Hàn Quốc (Korea Sports Promotion Foundation, KSPO) đã liên tục đột phá trong việc tạo nguồn kinh phí, giúp thể thao xứ Hàn giải bài toán kinh tế một cách ngoạn mục.. Đến năm 2007, họ thiết lập cột mốc đáng nhớ khi nguồn quỹ của KSPO vượt qua ngân sách chính phủ cấp cho thể thao, 236 tỉ won (217 triệu USD) so với 200 tỉ won (184 triệu USD). Sau đó, con số mà KSPO tạo ra hằng năm ngày càng vượt xa ngân sách - điển hình là vào năm 2017, 1.295 tỉ won (1,19 tỉ USD) so với 150 tỉ won (138 triệu USD). Theo thống kê, sau  28 năm kể từ ngày thành lập, KSPO đã đóng góp cho ngân sách thể thao của Hàn Quốc 12,6 tỉ USD. 

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm