Đã có quá nhiều lời tranh cãi - đôi khi là vô căn cứ - về việc so sánh tính thực chiến và sức mạnh của Quyền Anh và Vịnh Xuân. Vậy nếu đặt lên bàn cân vật lý, khoa học sẽ trả lời như thế nào?
Stance (thế đứng)
Có hai thứ quan trọng trong việc phân tích một thế đứng, đó là diện tích tấn và độ thăng bằng, tính bởi tỉ lệ chiều cao và diện tích tấn.
Thế đứng cơ bản của Quyền Anh giúp hai bàn chân kiểm soát được một không gian hình tứ giác khá rộng, từ đó không chỉ tạo sự cân bằng, vững chắc mà còn giúp võ sĩ dễ xoay sở khi thế tấn buộc phải thay đổi theo tình huống tấn công phòng thủ.
Thế đứng trong Quyền Anh giúp kiểm soát một mặt phẳng lớn hơn, tạo sự cân bằng và thoải mái xoay trở tốt hơn.
Trong khi đó, thế đứng "Nhị tự kiềm dương" cơ bản của Vịnh Xuân có mặt phẳng tấn theo hình tam giác, diện tích tấn nhỏ hơn Quyền Anh.
Nhị tự kiềm dương tấn của Vịnh Xuân.
Tấn pháp Vịnh Xuân cũng có một số biến thể đứng hai chân trước - sau như Quyền Anh nhưng khoảng cách vẫn hẹp hơn và hai chân gần như trên một đường thẳng đến mục tiêu nên khả năng thăng bằng vẫn kém hơn Quyền Anh.
Vịnh Xuân đứng cao hơn nhưng tấn hẹp hơn Quyền Anh nên khả năng thăng bằng kém hơn
Ngoài ra, thế đứng của Vịnh Xuân có phần hơi ngả về phía sau, khiến cho Vịnh Xuân khó chịu được sự dồn ép lớn và liên tục như Quyền Anh.
Tóm lại, xét trên tỉ lệ chiều cao - mặt phẳng tấn thì Vịnh Xuân đứng cao hơn nhưng tấn hẹp hơn Quyền Anh nên khả năng thăng bằng kém hơn. Đó là chưa kể đến việc tấn của Vịnh Xuân di chuyển khó khăn hơn Quyền Anh.
Ngay nay, nhiều võ sư Vịnh Xuân vẫn tích cực nghiên cứu lại phương án di chuyển để bù lấp những điểm yếu trong thế tấn.
Động năng của đòn tay
Vịnh Xuân cũng có đòn chân, nhưng để so sánh với Quyền Anh, hãy phân tích trên đòn tay.
Đòn tay chủ đạo của Vịnh Xuân là "Nhật tự xung quyền" với lý thuyết sao cho đòn đấm đến được mục tiêu nhanh, ngắn gọn và thoải mái nhất.
Các đòn tay của Vịnh Xuân không dùng động năng từ việc xoay chuyển cơ thể.
Tuy nhiên, hầu hết các đòn tay của Vịnh Xuân - trong đó có Nhật tự xung quyền - không sử dụng vai hay thân người để tạo lực mà phụ thuộc rất nhiều vào lực cơ bắp của hai cánh tay.
Lý thuyết Vịnh Xuân hạn chế chuyển động của vai - lưng để mất cân bằng thế tấn, cũng như giữ cơ thể luôn ổn định ở trạng thái trung lập.
Trong khi đó, với thế tấn trước - sau, lực đấm của Quyền Anh phụ thuộc rất nhiều vào động năng đến từ việc xoay vai và thân người.
Thậm chí, ở các cấp độ cơ bản, võ sĩ Quyền Anh phần nhiều không dùng đến lực cơ bắp từ cánh tay.
Lực ly tâm kiến tạo từ động tác xoay chuyển thân người tạo ra động năng rất lớn cho cú đấm, điều này thể hiện rõ ở cả những người tập ở trình độ cơ bản.
Thế đứng hai chân trước - sau và nguyên tắc sử dụng thân người cùng giúp đòn tay trong Boxing sử dụng được nhiều khối cơ hơn, tạo lực và sự kiểm soát tốt hơn.
Bỏ qua mọi vấn đề như sự kỳ thị hay các định kiến, rõ ràng khoa học đã có câu trả lời cho bài toán so sánh giữa Boxing và Vịnh Xuân ngay trên các yếu tố nền tảng nhất của một bộ môn. Tuy vậy, đáng mừng rằng cộng đồng Vịnh Xuân toàn thế giới đang tiếp cận gần hơn với các tư duy hiện đại và không ít người đang nỗ lực thay đổi bộ môn theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Một ngày nào đó, liệu những lời chê bai tính thực chiến của Vịnh Xuân có đi vào dĩ vãng? Thời gian hẳn sẽ có câu trả lời.