Trước lúc các ca doping bị phát hiện, chủ tịch Liên đoàn cử tạ Thái Lan (TAWA) Boossaba Yodbangtoey luôn ca ngợi tổ chức của bà là "hình mẫu thật sự" cho mọi liên đoàn khác trong nước noi theo.
Không ai phản đối nhận định đó, cho dù tại Thái Lan, bóng đá, quyền Anh, cầu lông và golf có nhiều người chơi hơn.
Nguyên nhân không hẳn do Boossaba là một phụ nữ đầy quyền lực. Ngoài vị trí số 1 tại TAWA, bà còn là Tổng thư ký Liên đoàn cử tạ châu Á. Trong khi đó, chồng bà là Intarat Yodbangtoey giữ chức Phó chủ tịch Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF).
Lý do chính là tại Olympic, cử tạ được xem là môn thành công nhất của thể thao Thái Lan. Kể từ Athens 2004 tới nay, các lực sĩ nữ đã đoạt được 5 HCV trong tổng số 7 HCV của thể thao Thái Lan qua các kỳ Olympic (2 HCV còn lại là của quyền Anh).
Và từ Athens 2004 đến Rio 2016, cử tạ Thái Lan luôn chiếm tổng số huy chương cao nhất đoàn. Riêng tại Rio 2016, cả 2 HCV của Thái Lan đều do cử tạ giành được.
Còn tại các giải VĐTG, cử tạ Thái Lan nhanh chóng lớn mạnh tới mức chỉ còn kém cường quốc số 1 là Trung Quốc trên bảng tổng sắp huy chương.
Tiến bộ vượt bậc đó phải chăng đến từ chế độ tập luyện nghiêm khắc cùng dinh dưỡng phong phú dành cho các lực sĩ, như tiết lộ của lực sĩ Sarat Sumpradit: Bữa sáng anh phải chén hết 10 phần lòng trắng trứng gà, tập luyện 4 giờ mỗi ngày và không được dùng điện thoại di động vào buổi tối...
Xem ra người Thái Lan đã sớm quên mất rằng cử tạ nước này từng vướng vào scandal doping năm 2011, khiến 7 lực sĩ nữ trẻ bị cấm thi đấu do có kết quả xét nghiệm dương tính.
Để đến lúc này, tin dữ dồn dập ập về. Hai mẫu dương tính doping đầu tiên của Thái Lan dính đến giải VĐTG 2018 liên quan tới HCĐ Duanganksnorn Chaidee và Teerapat Chomchuen 17 tuổi, lực sĩ nam duy nhất trong nhóm 6 đô cử bị phát hiện doping đầu tiên.
Sau đó, IWF công bố tiếp 4 cái tên nữa là các nhà ĐKVĐ Olympic Sopita Tanasan (48kg) và Sukanya Srisurat (58kg), cũng như Thunya Sukcharoen cùng Chitchanok Pulsabsakul.
Srisurat và Pulsabsakul chính là những kẻ từng "nhúng chàm" năm 2011 và đã bị cấm thi đấu 2 năm, nay lại "ngựa quen đường cũ". Rốt cuộc đến tận cùng, cử tạ Thái Lan có tổng cộng 9 tuyển thủ xài doping.
Doping thật sự đã trở thành cơn bão quét bay TAWA tưởng chừng có nền móng vô cùng vững chắc.
Vì theo quy định của IWF, bất cứ quốc gia nào có ít nhất 3 trường hợp doping trở lên bị phát hiện trong cùng một năm dương lịch đều chắc chắn bị cấm thi đấu quốc tế tới 4 năm.
Chỉ riêng ở giải VĐTG 2018, Thái Lan có tới 6 tuyển thủ bị chộp. Hiểu rõ số phận đang chờ đón, TAWA chủ động xin rút mọi tuyển thủ ra khỏi giải VĐTG 2019, dù Thái Lan vẫn sắm vai chủ nhà tại Pattaya. Song song đó, TAWA chủ động đứng bên lề cuộc đua giành suất dự Olympic tại Tokyo.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực nhận sai của TAWA đều vô nghĩa trước cơn giận của IWF. Đầu tiên, IWF phạt TAWA 200.000 đô la (hơn 4,6 tỷ đồng).
Kế đến, IWF cấm mọi đô cử Thái Lan tham dự Tokyo 2020. Án phạt này có hiệu lực ngay cả khi Olympic lùi lại đến năm 2021.
Trên thực tế, IWF đã tạm tước bỏ tư cách thành viên của TAWA trong 3 năm, thậm chí còn đe dọa án phạt có thể nặng hơn khi xem xét lại vào ngày 7/3/2022.
Họa vô đơn chí, phước bất trùng lai, đúng vào cảnh dầu sôi lửa bỏng này thì TAWA còn bị đài truyền hình Đức bỏ đá xuống giếng khi công bố bộ phim tài liệu quay cảnh các lực sĩ trẻ Thái Lan sử dụng chất kích thích, đặc biệt nhất là những cảnh liên quan đến Siripuch Gulnoi - đô cử thú nhận dùng doping sau khi đoạt HCĐ tại Olympic 2012 ở London.
Như giọt nước tràn ly trước sức ép của dư luận, toàn bộ ban lãnh đạo TAWA phải đồng loạt xin từ chức.
Trong lá thư từ chức, bà chủ tịch Boossaba Yodbangtoey còn làm trò cười cho dư luận trước lúc ra đi bằng lời oán trách: "Các phóng viên tiếp cận Gulnoi mà không cho cô ấy biết tên thật của anh ta hoặc công việc thật sự của anh ta. Do đó, Gulnoi hoàn toàn không biết cô ấy đang bị các phóng viên ghi hình."